Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

CHIÊU TRÒ CŨ CỦA CÁC THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG

 

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các phần tử cơ hội và thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái, bóp méo sự thật nhằm thực hiện ý đồ chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Một trong số những quan điểm mà chúng đưa ra là: “Ở Việt Nam, thực hiện thể chế nhất nguyên chính trị là không dân chủ, vì thế, để có dân chủ thì cần phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Những luận điệu trên cùng với cái gọi là “xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lênin” với quan điểm “kinh tế quyết định chính trị”, chúng cho rằng: “kinh tế đa thành phần thì chính trị phải đa nguyên”, và từ đó, những đối tượng cơ hội, thù địch đòi hỏi phải xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013).

Có thể nhận thấy những luận điệu nêu trên không mới và ngày càng bộc lộ đầy đủ nhất những ý đồ chính trị đen tối nhằm tạo cớ cho sự hình thành các tổ chức chính trị phản động đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, là tiếp tục thực hiện các bước của chiến lược “diễn biến hòa bình” từ đó tiến hành bạo loạn, lật đổ, gây bất ổn chính trị - xã hội trong nước. Nếu chúng ta nhận thức không đúng thì sẽ rơi vào cái “bẫy” của họ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như ở Liên Xô và Đông Âu đã từng diễn ra. Vì rằng, những luận điệu nêu trên sai cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

Thứ nhất về phương diện lý luận:

Các thế lực thù địch “xuất phát” từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin là “kinh tế quyết định chính trị” để cho rằng, kinh tế nhiều thành phần thì chính trị phải đa nguyên là hoàn toàn trái với ý nghĩa nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi nói kinh tế quyết định chính trị, thì điều quan trọng cần phải lưu ý là chủ nghĩa Mác không bao giờ xem kinh tế là yếu tố duy nhất mà bên cạnh yếu tố kinh tế còn có những yếu tố khác. Tất cả các yếu tố ấy đều nằm trong một chỉnh thể thống nhất tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên sự vận động, biến đổi của xã hội.

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một lịch sử hình thành, phát triển và có truyền thống riêng của mình. Từ đó, nó tạo nên tính đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc và được thể hiện qua các hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần của con người, trong đó có hoạt động chính trị. Như vậy, để xem xét một thể chế chính trị thì phải xem xét một cách toàn diện, chứ không chỉ xem xét một mặt, một yếu tố nào đó. Nếu tuyệt đối hóa, đề cao một mặt, một yếu tố nào đó sẽ là phiến diện, một chiều không khỏi mắc phải sai lầm trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Những quan điểm nêu trên chính là cơ sở lý luận để khẳng định Việt Nam thực hiện thể chế chính trị nhất nguyên trong điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.

Thứ hai, về phương diện thực tiễn:

Dưới góc độ kinh tế, trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, thì thành phần nào giữ vai trò thống trị, chi phối các thành phần kinh tế khác sẽ là cơ sở kinh tế để quyết định hình thức tổ chức chính trị. Hiện nay, ở Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế tồn tại, nhưng thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Dưới góc độ truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, trong chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống đoàn kết của nhân dân ta luôn được phát huy, tạo thành sức mạnh vô địch trong phòng chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đoàn kết đó đã được đúc kết thành chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Về vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam: Hơn 90 năm từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi thử thách của lịch sử, chiến đấu và giành chiến thắng trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Đảng đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng kề vai sát cánh, đoàn kết, thống nhất phấn đấu vì mục tiêu chung: Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thực hiện sứ mệnh là lực lượng duy nhất giữ vai trò lãnh đạo, Đảng luôn giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân.

Từ những thành quả đã đạt được, mỗi người dân Việt Nam luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; dư luận quốc tế, chính phủ, nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới đánh giá cao và ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ đó uy tín của Đảng không ngừng được xác lập và nâng cao trên trường quốc tế. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để chúng ta khẳng định việc thực hiện chế độ chính trị nhất nguyên trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam - đó là một thực tế khách quan không phải bàn cãi và không thể phủ nhận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét