Các thế lực thù địch, phản động
chưa bao giờ từ bỏ mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thông
qua thực hiện “diễn biến hòa bình”. Mục tiêu không bao giờ thay đổi của chúng
là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam. Đặc biệt, khi chúng ta vừa tiến hành xong đại hội đảng bộ các cấp,
tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch càng ráo
riết tiến hành các hoạt động chống phá. Chúng coi đây là thời cơ để thực hiện
mưu đồ chính trị. Vừa qua, ngay sau khi Bộ chính trị ra quyết định kỷ luật cảnh
cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện
những bài viết cho rằng đây là kỷ luật "bất thường" trước thềm Đại
hội XIII của Đảng; thậm trí bóp méo, xuyên tạc sự thật cho rằng đó là cuộc
“thanh trừng nội bộ”, “trả thù lẫn nhau” giữa các cá nhân, phe nhóm....
Phải thấy rằng, việc Bộ Chính trị
quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn
Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung
ương vừa qua, thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm chỉnh đốn Đảng, tính nghiêm
minh trong kỷ luật Đảng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, lấy lại niềm
tin trong nhân dân. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương tại Kỳ họp thứ 49
cho thấy, khi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình đã
vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm,
buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi
phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết,
quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm
trọng, khó khắc phục. Nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình
sự.
Quan điểm nhất quán của Đảng ta
là làm tốt được biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình;
vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó, không có
“vùng cấm”, không có ngoại lệ. Vì vậy, trong Nghị quyết về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện
mạnh mẽ là: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các
nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý
kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”. Việc xử lý vi
phạm để cho họ nhận thức ra sai lầm của mình, nếu chưa đến mức phải đưa ra pháp
luật xử lý thì đây là cơ hội để cán bộ sửa chữa, phấn đấu trở lại. Việc kỷ luật
này thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, của cơ quan tổ chức để chỉnh đốn lại bộ
máy, làm gương cho người khác. Do vậy cần cảnh giác với những luận điệu xuyên
tạc làm méo mó việc làm thường xuyên của Đảng, gây hiểu sai trong nhân dân.
Đây không phải lần đầu tiên Đảng
ta xử lý cán bộ sai phạm, nhiều cán bộ, đảng viên có vi phạm kể cả cán bộ cao
cấp, người còn đương chức hay đã về hưu có sai phạm đều bị xử lý kỷ luật, không
có vùng cấm. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần
100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó một số cán bộ đã bị
xử lý hình sự.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn
Đảng đang được Đảng ta tiếp tục tiến hành một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Việc
kỷ luật đồng chí của mình là điều không ai muốn, như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm,
không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước,
của nhân dân”.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên,
từng cán bộ, chiến sĩ và từng người dân, khi tiếp cận với những thông tin, tài
liệu tán phát trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu
là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, quy
chụp, bịa đặt; tránh bị cuốn theo những giọng điệu xảo trá của các thế lực thù
địch mà dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin với
Đảng và chế độ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét