Xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng các phương
tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nhằm
xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Nhìn từ góc độ đạo đức, những biểu hiện xuyên tạc, bịa
đặt, nói xấu, hạ thấp uy tín cán bộ thông qua MXH, thông qua đơn thư nặc danh,
mạo danh là việc làm mờ ám, vụng trộm, lén lút, không trong sáng, không nhân
văn giữa con người với con người. Nếu động cơ trong sáng, thực sự vì sự tiến bộ
của người khác, với tinh thần xây dựng vì sự vững mạnh của tập thể, vì sự ổn
định, phát triển của đất nước thì không thiếu hình thức, biện pháp phê bình,
góp ý dân chủ, công khai, minh bạch.
Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của
công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng
tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người
khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo
quy định của pháp luật.
Tại Phòng nghiệp vụ của Cục An ninh mạng và phòng
chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, bằng hệ thống rà quét tự động hiện
đại này, các chiến sĩ an ninh luôn nắm bắt được mọi hoạt động của các tổ chức,
các cá nhân chống phá … trên không gian mạng. Những nội dung xuyên tạc về Đại
hội Đảng, chống phá Đảng nhà nước… từ nguồn gốc đến đường phát tán đều được
phát hiện
Những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam đều bị xử
lý, ngăn chặn.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã
cùng phối hợp xử lý trên 2.500 trường hợp với nhiều mức độ khác nhau, trong đó
có xử lý hình sự trên 100, xử lý hành chính trên 780 đối tượng. Qua các biện
pháp nghiệp vụ, lực lượng an ninh cũng đã vô hiệu hóa trên 1.600 đối tượng
chống phá cùng hàng nghìn bài viết, video clip có nội dung xấu độc.
Tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc
gia, Bộ thông tin và Truyền thông, những "điểm nóng" như các tài
khoản mạng xã hội của đối tượng thù địch, chống phá đều được giám sát chặt chẽ.
Trước sự gia tăng các hoạt động chống phá của các thế
thù địch trên không gian mạng, trong thời gian qua Cục Phát thanh truyền hình
và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã chủ động sử dụng công
nghệ, trong đó có phân tích dữ liệu lớn để nhận diện xu hướng thông tin, phát
hiện những thông tin tiêu cực, xấu độc nhằm xử lý kịp thời.
Đặc biệt, Cục thường xuyên yêu cầu, đề nghị các nền
tảng xuyên biên giới như Google, Facebook... phải chủ động rà soát, phát hiện
các kênh, video có nội dung xấu độc, xuyên tạc... để ngăn chặn, gỡ bỏ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền
thông đã rà quét, yêu cầu xử lý hơn 2000 bài viết, 5300 video, đặc biệt từ quý
II, khi công tác chuẩn bị Đại hội các cấp diễn ra, các thế lực phản động đã gia
tăng phát tán tin bài xấu độc nhiều hơn so với trước, số lượng rà quét và xử lý
từ tháng 6 đến hết tháng 9 tăng 4 lần so với thời điểm 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đánh giá, so với kỳ
Đại hội trước, 80% thông tin xấu độc đã bị dẹp bỏ sau khi triển khai nhiều giải
pháp quyết liệt. Một số trường hợp thậm chí đã bị xử lý hình sự vì tung tin
xuyên tạc, vu khống trong thời gian qua.
Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XIII, cơ quan chức năng dự báo, việc tuyên truyền, phát tán thông tin
xấu độc về nhân sự sẽ diễn ra với mức độ gay gắt, thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm
hơn.
Cuộc đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật còn nhiều
gian nan, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển. Nhưng đáng mừng là đa số
người dân vẫn tự bảo vệ được mình vẫn luôn cảnh giác với những thông tin xấu
độc.
Nhiều người trang bị cho mình những màng lọc, những
kiến thức cần thiết và cả sự cẩn trọng để có thể phân biệt đúng - sai, thật -
giả, xấu - tốt, hay - dở, để không bị lây nhiễm, dẫn dắt bởi cái xấu. Và quan
trọng hơn, họ luôn có niềm tin vào Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.
Sự quan tâm theo dõi của người dân đến công tác cán bộ
của Đảng, những thông tin về công tác chuẩn bị, nhất là công tác chuẩn bị nhân
sự cho đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng là điều dễ hiểu
và đáng mừng. Bởi lẽ có lo lắng, quan tâm đến tương lai, vận mệnh của dân tộc,
đường hướng phát triển của đất nước thì nhân dân mới có nhu cầu thông tin về
công tác chuẩn bị đại hội đảng.
Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm
hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa những hành vi chống phá, xuyên tạc Đại hội
Đảng thì vấn đề rất quan trọng cần thực hiện tốt là công khai, minh bạch thông
tin, không nên để những thông tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền và hoành
hành trong cộng đồng rồi mới tìm cách khắc phục theo kiểu "chạy theo"
tình hình.
Mỗi người dân chúng ta, cũng cần tỉnh táo, trách nhiệm
với bản thân và cộng đồng mỗi khi định chia sẻ những thông tin chưa được kiểm
chứng liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành "con rối",
tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét