Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Lật tẩy mặt nạ những “thư ngỏ”, “tâm thư”


Trên một số trang mạng xã hội đăng tải các bài viết dưới danh nghĩa “thư ngỏ”, “kiến nghị”, “tâm thư”… với nội dung chỉ trích, “kiến nghị” đòi hỏi vô lý, phi thực tế. Một số trích đoạn phơi bày cái gọi là “tâm huyết” của các tác giả, vẫn là những điệp khúc muôn thuở, nào là “sai lầm đường lối” của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường xây dựng CNXH; nào là “thể chế độc đảng toàn trị” nên “xã hội không có tự do, dân chủ”… Rồi có những người giả danh “tâm nguyện vì nước, vì dân” đưa ra mấy yêu cầu (thực chất là yêu sách) đòi Đảng Cộng sản Việt Nam “từ bỏ vị thế lãnh đạo”, phải “thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước”, phải “chuyển đổi thể chế chính trị”… Có thể thấy ngay dã tâm của họ qua những “tâm thư”, “tâm nguyện” đó chính là muốn quay lưng lại với con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chế độ XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đáng chú ý trong các hoạt động nêu trên là có sự tham gia, ký tên của một số người trước đó đã từng giữ cương vị lãnh đạo ở một số bộ, ngành; có người là nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi, là đảng viên có nhiều năm tuổi Đảng… Điều này cho thấy, những “tâm nguyện”, “kiến nghị” đó không thể là do sự “ấu trĩ, mơ hồ” về chính trị-xã hội, về nhận thức tư tưởng, vì những người này đều có trình độ học vấn cao; cũng không phải do sự khác biệt về “chính kiến” bởi họ đều đã có quá trình lâu dài được Đảng và nhân dân nuôi dưỡng, giáo dục. Do đó, dù được ngụy trang bằng những mỹ từ nào đi chăng nữa, bản chất và mục đích thật sự của các “thư ngỏ”, “kiến nghị” đó rõ ràng là phục vụ âm mưu của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện “đa nguyên chính trị”, đòi chuyển hóa thể chế Cộng hòa XHCN Việt Nam sang mô hình xã hội theo kiểu phương Tây.
Để tăng thêm “gia vị” cho các “tâm nguyện” và cũng để lôi kéo sự “đồng tình” của những người khác phục vụ cho động cơ, mục đích của mình, các đối tượng đã lợi dụng các vấn đề xã hội phức tạp như: Vụ việc Formosa xả thải; một số vụ án kinh tế lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; một số cán bộ suy thoái... để từ đó “quy kết” hệ thống chính trị là “yếu kém” cả về trách nhiệm và năng lực, cho rằng Đảng “phải chịu trách nhiệm” về tình trạng nói trên. Thế nhưng, rõ ràng những “tâm thư”, “tâm nguyện”, luận điệu kể trên không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên về niềm tin của số đông nhân dân ta đồng lòng đi theo Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thành tựu đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và lịch sử.
Bài học rút ra từ sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vẫn còn nguyên giá trị. Các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhận thức rõ rằng, không cần thiết phải thực hiện “đa nguyên chính trị”. Và khẩu hiệu “đa đảng chính trị” chỉ là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị muốn loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm chuyển đổi chế độ XHCN ở Việt Nam sang mô hình xã hội kiểu phương Tây, phá hoại sự ổn định của đất nước, xóa bỏ những thành quả mà giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc ta đã phải mất bao nhiêu xương máu mới giành được. Vấn đề cơ bản, quan trọng lúc này là phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, không ngừng đổi mới, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, để Đảng luôn có đủ uy tín chính trị và khả năng hoàn thành nhiệm vụ do lịch sử giao phó. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, cũng có những lúc Đảng phạm phải giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, nhưng Đảng đã luôn nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao uy tín chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Việc Đảng ta dám thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và trách nhiệm cao của Đảng trước nhân dân, dân tộc. Vì vậy, không thể vin vào một số khuyết điểm, yếu kém hiện nay trong Đảng mà đánh giá sai bản chất của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Cũng không thể đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa, biến chất, từ đó quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm, tiêu cực trong xã hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Phủ nhận Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là phủ nhận một thực tế lịch sử, phủ nhận một trong những trang hào hùng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam; là sự xúc phạm đến tình cảm và điều thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Đảng ta xác định: Xây dựng Đảng luôn gắn liền với chỉnh đốn Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt.
Từ việc thẳng thắn nhìn vào sự thật, đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(1), Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã quyết định ban hành Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, trong đó đã vạch rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ ra mối nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc…
Để bảo vệ Đảng, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, trước hết cần không ngừng củng cố, nâng cao uy tín chính trị của Đảng.
Uy tín chính trị của Đảng được hình thành, củng cố, được khẳng định trước hết qua năng lực lãnh đạo chính trị của Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Nâng cao uy tín chính trị của Đảng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Năng lực lãnh đạo chính trị thể hiện trước hết Đảng có khả năng vạch ra cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn để lãnh đạo đất nước, dẫn dắt cả dân tộc đi lên, tránh được nguy cơ sai lầm về đường lối. Mặt khác, Đảng phải làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, tạo sự nhất trí cao và sự vững vàng về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, bao gồm cả việc cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chính sách, nghị quyết, công tác cán bộ, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát...
Đi đôi với việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, Đảng ta cần đặc biệt coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; xây dựng, củng cố Đảng về tổ chức, bảo đảm từng cơ sở đảng có sức chiến đấu cao. Trong đó, đặc biệt chú ý thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và củng cố hệ thống tổ chức của Đảng vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình thương yêu đồng chí.

 Đức Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét