Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Dự báo thiên tài của Các Mác về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0



Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được nhận diện trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012. Đầu năm 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tại đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0 hay FIR) được cắt nghĩa rõ ràng, đó là sự tiếp nối của cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XX kết hợp với một loạt công nghệ mới giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Trước đó xã hội loài người chúng ta đã trải qua 3 cuộc Cách mạng công nghiệp, tạo ra một nền sản xuất tiên tiến, một lực lượng lao động vượt trội, đưa xã hội loài người đến sự phát triển vượt bậc. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị; làm thay đổi mạnh mẽ, toàn diện nền kinh tế mỗi quốc gia về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Cuộc cách mạng này có tác động sâu rộng tới nhận thức, cơ cấu kinh tế, thể chế chính trị, quan hệ giữa các dân tộc… tạo ra những cơ hội và những thách thức đối với mỗi quốc gia trong thời đại ngày nay.
Nhưng điều lưu ý là sự phát triển cuộc Cách mạng này đều nằm trong dự báo thiên tài của C.Mác cách đây hơn một trăm năm về những thay đổi khi “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Công lao vĩ đại của C.Mác là áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và đã chỉ ra tính quy luật của các biến đổi xã hội như là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Theo C.Mác, con người muốn tồn tại, trước hết phải lao động sản xuất để tạo ra những vật phẩm nuôi sống mình, sau đó mới đến vấn đề tinh thần, tư tưởng. Trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất, con người đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống tinh thần. Các quan hệ chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo… đều hình thành, biến đổi trên cơ sở sản xuất vật chất. Đi sâu nghiên cứu nền sản xuất xã hội, C.Mác phát hiện ra quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất. 
Trong lực lượng sản xuất, vai trò của KHCN được thể hiện ở trình độ của người lao động và trình độ của công cụ lao động, là “sức mạnh của tri thức đã được vật thể hóa”. Khi hàm lượng khoa học ngày càng gia tăng trong hai yếu tố này sẽ tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất và do đó thúc đẩy quan hệ sản xuất phát triển phù hợp. Những quan hệ sản xuất hợp thành cơ sở hạ tầng xã hội và đóng vai trò quyết định sự tồn tại, biến đổi của kiến trúc thượng tầng xã hội. Như vậy, Mác đã dự báo sự phát triển của các Cuộc cách mạng công nghiệp là tất yếu khách quan, đúng theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất. Đây là một trong hai quy luật cơ bản chi phối toàn bộ quá trình vận động phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Từ đó càng thấy sự sai trái của các quan điểm tuyệt đối hóa, đề cao quyền lực tri thức, trí tuệ, không đặt nó trong các mối quan hệ khác. Khoa học công nghệ xác định là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.


             Đức Lũy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét