Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

BỒI ĐẮP LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ


Thực tiễn trải qua lịch sử hơn mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhất là qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ; với phương châm “Sống vì lý tưởng” đã biết bao tấm gương anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh trọn đời mình cho Tổ quốc. Họ mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất của thế kỷ XX, tạc vào sông núi lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân và cả máu của mình.
Nhiều người con gái “chân yếu tay mềm” như chị Võ Thị Sáu hiên ngang bước tới pháp trường mà vẫn “Ngắt một đóa hoa tươi/Chị cài lên mái tóc”, kiên cường là vậy. Trong cuốn “Sống vì lý tưởng”, chúng ta còn biết tới một nữ anh hùng liệt sỹ Lê Thị Hồng Gấm. Một người con của quê hương Đồng Tháp đã vượt qua rất nhiều gian khổ, hiểm nguy để làm công tác giao liên giữ cho mạch máu cách mạng không ngừng chảy. Chứng kiến những người dân chịu cảnh đàn áp, tra tấn, hành hình dã man, chị Gấm đã quyết chí tham gia cách mạng. Để rồi từ đó, chị và nhiều chiến sỹ du kích khác đã liên tiếp lập nhiều chiến công diệt ác, phá kềm, phá thế dồn dân lập ấp của quân Mỹ - Ngụy. Chị đã từng phải ngâm mình trong kênh rạch suốt 3 tháng trời để giấu mình và làm công tác giao liên, giữ cho huyết mạch của cách mạng không ngừng chảy. Bao nhiêu khó khăn gian khổ, bao nhiêu lần nhanh chân chạy thoát trước sự lùng sục, càn quét của địch. Chị được cách mạng kết nạp vào Đảng, được cấp trên bổ nhiệm chức vụ xã đội phó làm công tác giao liên, chống địch vận. Những góp công của chị không hề nhỏ khi một mình chỉ huy trung đội giao liên ở địa phương nằm trong vòng vây quân thù.
Nhưng trận đánh cuối cùng, người nữ xã đội phó ấy, đã phải một mình một súng chiến đấu kiên cường với 12 tên lính ngụy. Chị bị thương rất nặng nhưng vẫn gắng dùng chút sức lực còn lại đập nát khẩu súng trên tay mình, không để vũ khí không rơi vào tay giặc. Lê Thị Hồng Gấm hy sinh khi mới 19 tuổi.
Trên vùng đất Củ Chi “Thành đồng Tổ quốc”, anh Nguyễn Văn Lịch, dù bị dập nát cả hai chân khi bị súng cối và đại bác của địch phục kích, chỉ với 2 quả lựu đạn anh vẫn quyết chống trả quân giặc và hy sinh khi mới 18 tuổi.
Và còn có một anh hùng A Nun, một mình vận chuyển vũ khí đạn dược ra chiến trường. Từ 60 kg ban đầu tới đỉnh điểm mỗi chuyến anh chuyển được 195 kg hàng hóa vũ khí, đạn dược, thuốc men. Do đâu mà anh có thể làm nên điều thần kỳ đó? Sức vóc của con người chỉ có hạn. A Nun qua từng chuyến hàng tự rút kinh nghiệm cho mình. Từ gồng hàng hóa theo chiều ngang, anh dựng đứng lên để có thể dễ dàng di chuyển và giảm bớt lực gồng hàng. Cũng theo đó anh biết đến phương pháp vận chuyển dạng “sâu đo” rất hiệu quả. Nên A Nun đã có thể làm được điều như trên. Đó là sự sáng tạo, kiên trì, lòng yêu nước, phục vụ hết mình cho cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam.
Cuốn “Sống vì lý tưởng” còn rất nhiều những tấm gương chiến đấu anh dũng, khắc họa nhiều chân dung thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến tranh. Bởi thế, cuốn sách là “món quà”, là di sản quý cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Chúng ta càng tự hào về một thế hệ cha anh đi trước, tự hào về sự nghiệp Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay, càng vững tin tiếp bước tương lai. Tuy vậy, chúng ta càng không thể quên ơn các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Cán bộ, đoàn viên thanh niên phải xung kích học tập và làm theo gương các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập, hòa bình, thống nhất nước nhà.

Thiết nghĩ, thế hệ trẻ hôm nay cần bồi đắp lý tưởng cách mạng, ra sức huấn luyện, học tập và cống hiến, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu theo gương các anh hùng, liệt sỹ. Để những người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Lịch…sống mãi với tình yêu quê hương, đất nước.

Văn Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét