Hiện nay, tình hình đất nước đã và đang trên đà hội
nhập phát triển. Quân đội nhân dân Việt Nam là thành tố đáp ứng được các yêu cầu
về lực lượng, cũng như trí tuệ để đáp ứng các yêu cầu trong hoạch định và phát
triển đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng
nước ta là xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa .
Trong thời gian gần
đây, có không ít những thông tin đăng tải xung quanh các sự việc liên quan đến
quân đội làm kinh tế. Một mặt gây nên tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân
dân, mặt khác nhiều thế lực thù địch lợi dụng vào đó để xuyên tạc, đăng tải các
bài viết hòng mong muốn xóa bỏ chức năng đội quân lao động sản xuất của quân đội.Chẳng hạn trên trang mạng Danlambao
Nguyễn Cao Quyền đã phát tán bài viết với tiêu đề: “Quân đội làm kinh tế là
nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng bất khả trị”. Toàn bộ bài viết, Nguyễn Cao Quyền
đã cho rằng: “Kinh doanh bằng quân đội là kinh doanh bằng quyền uy, bằng kho
tàng vô tận của “nước sông công lính” và “Quân đội làm kinh tế tạo ra tầng lớp
tư bản nhà binh”. Đây là những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn chức năng,
nhiệm vụ cũng như phủ nhận truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.
Thứ
nhất, lao động, sản xuất là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội Nhân dân
Việt Nam. Chức năng cơ bản này được xác lập quy định ngay từ ngày đầu thành lập
và được khẳng định, phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng
thành hơn 70 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực tế cho thấy, các đơn
vị quân đội đã tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực lao động, đất đai, kỹ thuật…,
đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn
định và cải thiện đời sống vật chất tinh thần của bộ đội. Nhiều doanh nghiệp
quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức, tập đoàn
kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, với
nhiều dự án công trình trọng điểm của quốc gia như: Đường Hồ Chí Minh, đường
dây 500 KV Bắc – Nam, đường tuần tra biên giới, dịch vụ dầu khí, tham gia xây dựng
nhiều công trình thuỷ điện lớn… Hiện có gần 100 doanh nghiệp quân đội đang tham
gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế như dịch vụ bay, dịch vụ cảng biển,
viễn thông, công nghiệp đóng tàu, trồng cây công nghiệp…góp phần xứng đáng vào
công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an
ninh của đất nước.
Thứ
hai, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn trung thành tuyệt đối với Đảng với Tổ quốc
và nhân dân. Là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản
xuất”; công cụ vũ trang, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước, sẵn
sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân
giao phó. Để hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có chức năng
tham gia sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng
đã quán triệt, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, đồng thời ban hành nhiều
nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị quyết số 71/ĐUQSTW,
ngày 25-4-2002 “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời
kỳ mới – tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”;
Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng
kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Thông tư số
69/2017/TT-BQP ngày 3-4-2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động
sản xuất, kinh doanh kinh tế của Quân đội. Đặc biệt là Nghị quyết 425-NQ/QUTW,
ngày 18-5-2017 “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh
nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Như vậy, có thể thấy Quân
đội luôn nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; quán triệt sâu sắc, thực
hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đồng
thời phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt
nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, xứng đáng là “đội quân chiến đấu,
đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới. Qua đó, tô thắm
thêm bản chất cách mạng, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng,
thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyệt nhiên không có chuyện “Quân đội làm kinh tế tạo
ra tầng lớp tư bản nhà binh” như Nguyễn Cao Quyền đã xuyên tạc.
Tóm lại,
lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế là một trong ba chức năng cơ bản
và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản
chất cách mạng, giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã
được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Tham gia sản xuất, phát triển kinh tế
theo quan điểm, đường lối của Đảng, là sự hiện thực hóa quy luật “dựng nước đi
đôi với giữ nước” của dân tộc; đồng thời là sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới chứ không như luận điệu tuyên truyền
xuyên tạc sai sự thật của Nguyễn Cao Quyền và các thế lực thù địch. Chúng ta phải
luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, kiên quyết lên án và bác
bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, nhằm bôi nhọ
hình ảnh, hạ thấp uy tín, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân
Việt Nam trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế./.
Kim Sanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét