Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

TỰ DO NÀO CŨNG PHẢI TRONG KHUÔN KHỔ PHÁP LUẬT


        Trên mạng xã hội mấy ngày qua nổi lên làn sóng luận bàn về chuyện Facebook, Twitter cùng khóa tài khoản của ông Trump do liên quan đến vụ bạo loạn diễn ra ở Đồi Capitol Washington D.C, thủ đô của Mỹ trong lúc hai viện của Quốc hội Mỹ họp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống.

        Lý do phải đưa ra biện pháp mạnh tay như vậy theo lý giải của hai nhà mạng này là vì tài khoản của ông Trump đã “vi phạm chính sách liêm chính công dân”; đưa những bài viết có nội dung "chứa nguy cơ gây bạo lực"… Từ chuyện này, một số người đã vội vàng lên mạng xã hội phản đối và cho rằng Facebook, Twitter đã vi phạm quyền tự do ngôn luận… Thậm chí có người cho rằng, sự việc trên xảy ra ở Mỹ - một quốc gia được xem là “hình mẫu” về tự do ngôn luận là đáng tiếc.

        Những người bày tỏ thái độ như đã nêu trên có thể do nhận thức của họ về quyền tự do ngôn luận chưa đầy đủ(!?)

        Quyền tự do nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng ở từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia đó. Chẳng hạn ngay Mỹ, Điều 2385 Chương 115 - Bộ luật Hình sự của nước này đã quy định nghiêm cấm mọi hành vi: "in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực";...

        Việc các quốc gia giới hạn các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật là việc làm hoàn toàn phù hợp với nội dung đã nêu trong “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc. Điều 29 của Tuyên ngôn nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

        Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị. Tuy nhiên, nếu tự do theo kiểu vô chính phủ thì xã hội sẽ bị rối loạn, mất kiểm soát.

        Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không đề cập sâu đến tính đúng sai trong biện pháp của hai nhà mạng Facebook, Twitter và cũng không bàn đến khả năng Tổng thống Donald Trumd bị luận tội vì đã “kích động dấy loạn” như cách nói của phe Dân chủ.

        Điều tác giả muốn bàn ở đây là mỗi chúng ta cần phải thấy rõ một thực tế rằng, không riêng ở Việt Nam, mà với mọi quốc gia trên thế giới tuy có cách tiếp cận không giống nhau về các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không ai được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng và trật tự xã hội. Mọi công dân thực hiện các quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng các quyền tự do nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét