Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG INTERNET TRONG QUÂN ĐỘI

 


Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng, nhất là Internet phát triển rất mạnh, trở thành một nhu cầu trong đời sống con người, có ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến người dân Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên, quần chúng trong quân đội nói riêng. Trên thực tế, Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin rất nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… Nếu sử dụng Internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho mỗi người; đồng thời, sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến rộng rãi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích do Internet mang lại thì mặt trái, tiêu cực của nó cũng không hề nhỏ. Có vô số những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc cũng được tán phát lên các trang thông tin điện tử (Website), Blog, mạng xã hội, trên phần bình luận, phản hồi (Comment) của các báo điện tử.v.v..

Đặc biệt, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng sức mạnh lan truyền của Internet, mạng xã hội như một phương tiện truyền thông đắc lực để đăng tải thông tin xấu độc tán phát trên Internet, mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: Kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi-rút…; thông tin sai trái có tính chất chính trị như: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đe dọa an ninh quốc gia...

Nguy hiểm hơn nữa hiện nay các thế lực thù địch đang chống phá theo hướng “chuyển hóa” ngầm, mềm, sâu vào bên trong. Thực hiện “chuyển hóa” trên ba lĩnh vực cơ bản: Chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh, trong đó, phá vỡ nền tảng chính trị là vấn đề then chốt; chống phá về kinh tế là biện pháp cơ bản, thường xuyên, lâu dài; “phi chính trị hóa” quân đội là nhiệm vụ trước mắt. Đây là thủ đoạn rất xảo quyệt và cực kỳ nguy hiểm, bởi khi quân đội bị suy yếu thì sẽ không còn khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công cả bên trong và ngoài của các thế lực thù địch, chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ tự sụp đổ giống như ở Liên Xô và Đông Âu, hoặc chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, hình thức, còn về bản chất thì đã “đổi màu”.

Thực trạng trên đã tác động không nhỏ đến cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, làm xuất hiện một số biểu hiện như ít quan tâm đến chính trị, phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin cách mạng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phát ngôn thiếu lập trường, trung bình chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, thiếu dũng khí đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch; nhận thức lệch lạc, hành động tiêu cực, vẫn còn đơn thư tố cáo nặc danh với động cơ cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ. Bảo vệ chính trị nội bộ còn sơ hở, có nơi còn để xảy ra vụ việc như lọt, lộ bí mật, mất tài liệu; đe dọa khủng bố qua điện thoại. Tình trạng vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội còn xảy ra, đã xuất hiện một số vụ việc đáng quan tâm như đào bỏ ngũ, cá độ bóng đá, đánh bạc, vay nặng lãi...

Để nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội trong quân đội hiện nay cần quán triệt và thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong nhận diện và đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội hiện nay.

Thứ ba, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội trong quân đội hiện nay.

Thứ tư, phát huy vai trò của các lực lượng đấu tranh chuyên sâu như Lực lượng 47 ở cơ sở, từng bước hiện đại hóa điều kiện, phương tiện để nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét