Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Khắc phục nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị hiện nay

 


        Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận chính trị, ngay từ rất sớm Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”, đồng thời đặt ra yêu cầu: “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn… Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là biểu hiện của sự thoái hoá”.

        Trước những diễn biến phức tạp của tình hình đất nước, khu vực và trên thế giới, việc nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị gặp không ít khó khăn; bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn có những biểu hiện nhận thức lệch lạc trong nghiên cứu và vận dụng lý luận chính trị. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra 9 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Hiện nay, nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên thường có những biểu hiện cụ thể là:

Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung cơ bản, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự phát triển vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Có biểu hiện “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; cho rằng: “tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam”, “ở Việt Nam chỉ cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin”... Đây chính là chiêu thức mà các thế lực thù địch sử dụng để bóp méo, xuyên tạc, hạ thấp, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

        Ngại học tập - nghiên cứu lý luận chính trị; xem nhẹ lý luận, đề cao kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên tích cực, chủ động đầu tư trí tuệ, thời gian thích đáng cho việc học tập, nghiên cứu, tích lũy làm giàu vốn tri thức lý luận chính trị; thậm chí có biểu hiện viện lý do phải giải quyết nhiều công việc để trốn tránh không tham gia học tập; khi đi học thì gượng ép, “đánh trống ghi tên”, có mặt để đối phó. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có biểu hiện thỏa mãn với chút ít vốn kinh nghiệm của bản thân; xem nhẹ tư duy lý luận khoa học, do vậy trong lãnh đạo, chỉ đạo thường đưa ra quyết định nóng vội, áp đặt chủ quan duy ý chí, không dựa trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn luôn vận động biến đổi.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét