Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ ĐỐI TƯỢNG, ĐỐI TÁC TRONG TÌNH HÌNH MỚI



          Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, đất nước ta vẫn phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, thách thức trên mọi lĩnh vực; đồng thời, phải đứng trước sự lựa chọn, phân định bạn - thù, đối tác - đối tượng, để định hình chiến lược, sách lược; đề ra và triển khai có hiệu quả đường lối đối nội, đối ngoại; bảo vệ lợi ích của dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vững mạnh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
          Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đề ra “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới” một trong những quan điểm cơ bản xuyên suốt quá trình thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trở thành một quan điểm chỉ đạo đã thể hiện sự đổi mới tư duy quan trọng của Đảng, phù hợp với điều kiện, bối cảnh và xu thế thời đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này cũng phù hợp với một trong những mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là, lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là mục tiêu cao nhất của cách mạng. Trong đó, Đảng ta đã đưa ra một số phương châm chỉ đạo trong việc xác định đối tác - đối tượng, phải trên tinh thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối ta, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn. Không nên xác định cả một quốc gia là đối tượng đấu tranh mà chỉ nên nói các thế lực thù địch, hoặc một số người trong giới cầm quyền ở một số nước nào đó có hành động cực đoan, hiếu chiến, chống đối ta, các cơ quan tình báo nước ngoài có hoạt động phương hại đến an ninh quốc gia của ta. Không có đối tác vĩnh viễn, song phải xác định được những đối tác chiến lược, lâu dài, nhất quán trên cơ sở chủ trương thêm bạn, bớt thù, khai thác triệt đối tác nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Việc xác định đối tượng, đối tác là tương đối “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta né tránh, để rồi rơi vào trạng thái mơ hồ, mất cảnh giác, mất tính chiến đấu và khó có thể vạch ra chủ trương, sách lược, chiến lược đúng đắn trong bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, xác định đối tượng - đối tác là một trong những nội dung căn bản nhất trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Do đó, vấn đề đối tượng, đối tác đã được Trung ương Đảng ta khẳng định rõ: “Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Quan điểm trên của Trung ương Đảng vẫn thể hiện được tính mềm dẻo, biện chứng toàn diện trong cách nhìn nhận về đối tượng và đối tác. So với nội hàm quan điểm cùng về vấn đề này trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, thì quan điểm lần này vừa có tính kế thừa, nhưng vừa có sự bổ sung những nội dung phù hợp, đòi hỏi cần phải được nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc. Cụ thể:
          Thứ nhất, quan điểm về đối tác. Đảng ta khẳng định: “... bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Đây là một sự khẳng định khôn khéo, mềm dẻo của chúng ta trong quyết tâm bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam và mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta không vạch tên, chỉ mặt đối tượng nào, không tạo ấn tượng hiềm khích với ai, nhưng sự khẳng định trên cũng đủ để vừa quy tụ ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vừa đề cao được lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc.
          Thứ hai, quan điểm về đối tác.
          Trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003, xác định “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta”. Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết số 28-NQ/TW “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ngày 25-10-2013 đã cắt bỏ đi hai từ “chủ trương” của quan điểm trước đây và khẳng định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”.
          Thứ ba, về tính biện chứng giữa đối tượng - đối tác. Trước đây, Trung ương Đảng chỉ nêu “... trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”. Nhưng hiện nay, Trung ương Đảng đã khẳng định “trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Đảng ta đã quan niệm một cách khái quát, khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về tính biện chứng trong mỗi đối tác, chứ không chỉ dừng lại ở một số đối tác như trước đây. Thực tế đã khẳng định về tính đúng đắn của quan điểm này, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tính cạnh tranh song hành cùng tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng gia tăng. Như vậy, đối tượng và đối tác luôn tồn tại trong một thể thống nhất. Do đó, sẽ có những đối tác rất đáng tin cậy, rất khó có khả năng chuyển hóa thành đối tượng, nhưng cũng có những đối tác có thể bị chuyển hóa thành đối tượng trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cảnh giác.
          Thứ tư, chủ trương ứng xử đối với những mặt mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích ở đối tác với chúng ta. Quan điểm về vấn đề đối tượng, đối tác mà Trung ương Đảng đề ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW còn thể hiện tính cách mạng sâu sắc, rằng với những điểm mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích giữa ta với mỗi đối tác đó, chúng ta không phải vì vậy mà chấp nhận nó, mà “cần phải đấu tranh”. Bằng sự mưu trí, sáng tạo để “đấu tranh” nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, tăng cường tính đồng thuận, mở ra các thời cơ thuận lợi, tranh thủ tận dụng được những ưu điểm của mỗi đối tác để giúp chúng ta phát triển nhanh. Mặt khác, hạn chế tiến tới triệt tiêu các mâu thuẫn, lực cản phát sinh ở mỗi đối tác, mà không phải là nhằm mục tiêu triệt tiêu đối tác.
          Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có các nước lớn, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống. Trong khi tăng cường quan hệ đối tác, chúng ta kiên trì giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, các tranh chấp, nhất là các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không để xảy ra xung đột, đối đầu, nhằm kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình để phát triển đất nước; đồng thời, kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền, lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về đối tác, đối tượng trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh còn bộc lộ một số hạn chế. Trong lúc tranh chấp chủ quyền biển, đảo đang là vấn đề nổi cộm, thì một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có xu hướng chỉ quan tâm đến đối tượng có ý đồ và hành động xâm chiếm biển, đảo, mà xem nhẹ, chưa thấy hết sự nguy hại của đối tượng “diễn biến hòa bình” và thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoặc ngược lại.
Minh quý

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét