Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

PHẢI CHĂNG CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN LÀ MẤT DÂN CHỦ


                                                                    
          Ngày 02/05/2018, đối tượng Phạm Phú Khải đăng bài “Dân chủ? Nếu biết mơ” trong đó có đoạn:Vào dịp 30 tháng Tư, tôi muốn hỏi tại sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ? Tại sao tiến trình dân chủ hóa vẫn dậm chân tại chỗ, nếukhông phải thụt lùi, trong những năm vừa qua? Tiến trình dân chủ hóa của bất cứ một quốc gia nào, kể cả Việt Nam, nhất là trong thời đại toàn cầu hiện nay”… Mục đích cuối cùng là nói xấu, xuyên tạc, dân chủ, tự do của Đảng, Nhà nước ta; cái đích cuối cùng là chúng vu khống rằng: “Ở  Việt Nam, duy trì chế độ độc Đảng nên mất dân chủ, chưa có dân chủ”
          Vậy, phải chăng chế độ một Đảng cầm quyền là mất dân chủ.
          Chúng ta biết rằng, dân chủ luôn là vấn đề được các nước phương Tây sử dụng nhằm chống đối một nước khác bằng cách cho rằng nước đó mất dân chủ, thiếu dân chủ. Cũng với chiêu bài này, các thế lực thù địch thường lớn tiếng rêu rao chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền đang thủ tiêu dân chủ. Sự thật có phải như thế?Để làm rõ vấn đề, trước hết cần xác định “dân chủ” đang nói ở đây là dân chủ như thế nào, dân chủ của ai và dân chủ cho ai?
Với tư cách là hình thức chế độ chính trị của đất nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Trong thiết chế dân chủ, quyền của công dân, tính tối cao của pháp luật được thừa nhận; những cơ quan quyền lực nhà nước đều do bầu cử mà ra.
Dân chủ được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản: dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Mặt khác, dân chủ gắn liền với hình thức tổ chức nhà nước, nên không bao giờ có một thứ dân chủ “thuần túy” mà luôn mang bản chất giai cấp sâu sắc...
Hãy thử nhìn sang nền dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhất là các nước tự xưng là tự do nhất, dân chủ nhất. Chúng ta biết, đa nguyên về chính trị và đa đảng đối lập là nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay.Vì mục tiêu giành lấy chính quyền để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình, các đảng chính trị tư sản thể hiện rõ nhất vai trò và thế mạnh của mình trong các cuộc tranh cử, đến lượt mình, vận động tranh cử trở thành một trong những chức năng quan trọng nhất khẳng định sự tồn tại của các chính đảng.
Bầu cử dưới chế độ tư sản được quy định rất chặt chẽ, nhưng từ xưa đến nay vẫn luôn luôn diễn ra những cuộc bầu không công bằng, thậm chí là gian lận. Mỹ là nước thường tự cho mình có nền dân chủ ở tầm “khuôn thước” để các nước khác phải noi theo; có nhiều đảng phái chính trị, nhưng hầu như trong suốt lịch sử chỉ do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa luân phiên kiểm soát đất nước.
Thực tế này hoàn toàn có thể hiểu được, vì không ai khác ngoài những người của hai đảng trên đang nắm giữ các vị trí then chốt trong chính quyền và chính họ là người đã đề ra các “luật chơi”, thiết kế các quy tắc bầu cử để bảo vệ sự độc quyền lưỡng đảng và phong tỏa con đường chiến thắng của các đối thủ khác.
Nói chung, ở các nước tư bản, về hình thức thì các đảng chính trị đều “tự do”, “bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền. Nhưng, trong thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chiến thắng...
Mặt khác, chế độ đa đảng ở phương Tây, xét trong thực chất, cũng là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị, vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Qua tổng tuyển cử, đảng có đa số phiếu thì lập chính phủ điều hành công việc, các đảng khác là đối lập, mà chính các học giả tư sản gọi là đối lập trung thành, nghĩa là không thách thức các thể chế chủ yếu của chế độ tư bản, chỉ phê phán và phản đối một số chính sách cụ thể của chính phủ. Mỗi khi phái đối lập giành thắng lợi trong tuyển cử và lên cầm quyền, thì họ vừa khuếch trương lợi thế chính trị của thế lực tư bản mà mình là đại diện, vừa cố gắng duy trì và củng cố chế độ tư bản chủ nghĩa...
Về tính nhất nguyên tư sản, ngay người Mỹ cũng phải công nhận hai đảng của họ gần giống nhau. Có rất ít sự khác nhau về tư tưởng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, vì đều hoàn toàn tán thành chủ nghĩa tư bản và các thể chế của nó, ủng hộ sứ mạng toàn cầu hóa của Mỹ, bác bỏ chủ nghĩa cộng sản ở trong và ngoài nước Mỹ. Hơn nữa, tuy khác nhau về một số tư duy cụ thể, những người lãnh đạo hai đảng giống nhau ở chỗ đều là những đại diện trung thành cho các thế lực tư bản độc quyền...
Pháp luật Mỹ quy định người ứng cử vào các cơ quan quyền lực phải có một lượng tài sản lớn làm vật bảo đảm. Ngoài ra, các ứng cử viên còn phải có tiền để tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử hết sức tốn kém. Do đó, trên thực tế, chỉ có những triệu phú, tỷ phú mới có cơ hội tham gia bộ máy chính quyền. Cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” chỉ là nền dân chủ của nhà giàu. Rõ ràng, một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền, thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người” mà các lý luận gia của họ rêu rao. Sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri của họ lột trần bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử ngày càng gia tăng.
Như vậy, dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong thực tế, nhà nước nói riêng và xã hội nói chung đều phải do một đảng lãnh đạo. Có hay không có dân chủ, dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay thấp, tất cả phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị.
Trong các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản là tổ chức thực hiện sự thống trị của giai cấp vô sản, cho nên sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đối với hệ thống chính trị là điều đương nhiên. Điều đó được thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ được thể chế hóa trong toàn bộ Hiến pháp và pháp luật. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và phát triển của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Đảng là nhân tố bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử, mọi mưu toan hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Nhân danh các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng” để kích động, gây chia rẽ, hận thù chỉ là thủ đoạn phục vụ mưu đồ chống nhân dân và dân tộc, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của các lực lượng thù địch muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn kém phát triển, dân trí còn thấp, các thiết chế còn chưa hoàn thiện... của Việt Nam hiện nay, nếu không có sự lãnh đạo tập trung của Đảng Cộng sản thì dân chủ sẽ rất dễ bị vi phạm...
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua những thử thách của lịch sử, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn luôn biết tự đổi mới, chứ không phải một lực lượng nào khác có thể đề ra đường lối đáp ứng yêu cầu lịch sử, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển trong xã hội ngày nay. Một Đảng như thế đủ sức đảm đương vai trò là lãnh tụ chính trị của xã hội, của dân chủ mà không cần có một lực lượng đối lập nào.Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ cho toàn thể quần chúng lao động, do đó, nó không chấp nhận sự chia rẽ xã hội, không thể tạo ra những lực lượng đối lập, đối kháng trong xã hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị.
 Thành khang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét