Nghị quyết Đại hội
Đảng lần thứ XII xác định: “Xây dựng văn
hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội
sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, thời
gian gần đây, văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng đang trở thành
lĩnh vực mà các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, tạo dư luận xấu trong xã
hội.
Văn học, nghệ
thuật có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội, góp phần bồi
dưỡng tâm hồn, nhân cách cho nhân dân. Văn là người, học văn là học cách làm
người, có câu nói đã thành chân
ngôn: Một người thầy thuốc mà sai lầm
thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết
hại một dân tộc, một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả
một thế hệ. Vì vậy, các thế lực thù địch chống phá ta quyết liệt trong lĩnh vực
văn học, nghệ thuật để tạo ra một thế hệ người dân Việt Nam u mê, sai lầm, lạc
lối nhằm phục vụ cho mục đích đen tối của chúng là nô dịch nước ta một lần nữa.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Mất văn hóa là mất tất cả”.
Vì vậy, trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” không có gì có thể hiệu quả hơn bằng
cách đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên
lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng.
Hơn 30 năm qua, Việt
Nam tiến hành mở cửa, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế đã đem lại nhiều
thành tựu to lớn, tuy nhiên chúng ta cũng gặp phải không ít thách thức, khó
khăn. Đại hội Đảng lần thứ XII đã đánh giá: “Bốn
nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm
1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí,
“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là
triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá
ta”. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhạt phai lý tưởng, chạy
theo lối sống thực dụng phương Tây. Tất cả những hạn chế, khuyết điểm trên đã
làm cho sức đề kháng của nhân dân trước sự tấn công của văn học, nghệ thuật ngoại
lai, phản động trở nên yếu ớt, thậm chí một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân
còn ra sức cổ súy cho văn học nghệ thuật ngoại lai, phản động.
Trong chiến lược
của mình, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng chiêu bài “nội công, ngoại
kích” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật để đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Trước
đây, chúng đã đầu tư xây dựng bộ phim “Sự thật về Hồ Chí Minh” rồi tán phát
trên mạng xã hội, nhưng thất bại cay đắng. Gần đây, chúng liên tục phỏng vấn, đặt
viết bài với các gương mặt văn nghệ sĩ phản động, “trở cờ” như Nguyên Ngọc,
Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập… nhằm thu hút, lôi kéo sự quan tâm của cư dân
mạng Việt Nam. Chúng sử dụng các nhà văn, nhà thơ, ca sĩ bất mãn với chế độ làm
công cụ chống phá với các yêu sách như đòi lập Hội nhà văn độc lập, đòi Nhà nước
không được kiểm soát lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tôn trọng tự do sáng tạo của
nhà văn, nhà thơ. Chúng sử dụng văn học nghệ thuật để gây nhiễu loạn thông tin,
như tuyên truyền, đưa tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, qua đó tạo cái nhìn phiến
diện của nhân dân thế giới đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, mà bộ phim “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) là một minh chứng.
Nhắc đến bộ phim
này, cần phải khẳng định rằng, bộ phim đã có cái nhìn phiến diện, hạ thấp tính
chính nghĩa cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, vu khống cho cộng
sản là những người khát máu, tàn sát nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi
dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cho rằng chúng ta chiến đấu, hy sinh xương máu là vì
phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Trả lời về sự kiện này, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên
Bộ Ngoại giao, nhắc lại quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến tranh: "Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ của
nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa và đã phát huy được sự đoàn kết và sức
mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ. Chính
vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước".
Cùng với đó, chúng còn lợi dụng mạng xã hội để đưa vấn đề từ
nhỏ thành lớn nhằm tạo hiệu ứng phong trào, gây hoang mang, dao động cho nhân
dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước đối với văn học, nghệ thuật.
Điển hình là các sự kiện như tiểu thuyết “Mối chúa” của Tạ Duy Anh, các trang
tin nước ngoài liên tục đưa tin sai lệch về tiểu thuyết “Mối chúa”, chúng cho rằng
Nhà nước ta bưng bít thông tin, không chấp nhận thực tế xã hội, cấm đoán tự do
sáng tạo văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ, rồi chúng lu loa rằng chúng ta vi
phạm “dân chủ”, “nhân quyền”. Vậy thực hư câu chuyện trên như thế nào? Công văn số 914/CXBIPH-QLXB được Cục Xuất bản, In và Phát
hành gửi đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn hôm 13/9, sau thời gian đọc lưu chiểu
cuốn sách “Mối chúa” của tác giả Tạ Duy Anh với bút danh Đãng Khấu
chỉ rõ "Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện
nay. Tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên,
phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau
đớn... Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu
cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u
ám. Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các
dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch…".
Hay sự kiện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) thì
chúng cho rằng chúng ta yếu kém trong quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật, “kinh
tế hóa” văn học, nghệ thuật, có “lợi ích nhóm”, “tham nhũng” trong cổ phần hóa
Hãng phim truyện Việt Nam… Rồi vụ Hội nhà văn Hà Nội chậm tiến hành đại hội,
việc Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên từ chức, chúng thổi phồng lên
là Nhà nước ta can thiệp quá sâu vào hoạt động của Hội, cỗ vũ hành động của
Phạm Xuân Nguyên là anh hùng, là dám đấu tranh cho những tiêu cực, dám vạch
trần những mảng màu u tối trong bức tranh văn học, nghệ thuật của Hà Nội và
Việt Nam.
Trong những sự kiện như nêu trên, nếu
chúng ta chỉ cần đứng trên quan điểm quốc gia, dân tộc, ta sẽ dễ dàng nhận ra
ẩn ý sâu xa bên trong những luận điệu chống phá. Thế mà những sự kiện đó vẫn
kéo theo được hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt thích và chia sẻ
trên các trang mạng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để chúng xen vào những
bình luận cực đoan, đả kích, xuyên tạc để dắt mũi “dư luận”, vẽ nên một bức
tranh ảm đạm, xám xịt của xã hội Việt Nam. Hệ quả là những bạn trẻ, thanh niên,
học sinh, sinh viên ít kinh nghiệm thực tiễn xã hội sẽ dần hình thành một lối
tư duy tiêu cực, chán nản và vô hình trung lại chuyển thành phản động, chống
phá lúc nào không hay. Vì họ đâu biết rằng, hành vi làm, tàng trữ, phát tán
hoặc tuyên truyền, thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ
báng chính quyền nhân dân,… gây hoang mang trong nhân dân là tội phạm hình sự,
được quy định tại Điều 117, Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày
01/01/2018).
Tóm lại, bản chất phản động của các thế lực thù địch là
không thay đổi, có chăng chúng được che dấu dưới những thủ đoạn mới hết sức
tinh vi, xảo quyệt. Mà trong đó, lợi dụng sự phóng khoáng, mỹ miều của văn học,
nghệ thuật để có thể tự do tiêm nhiễm những luận điệu thù địch một cách hết sức
thâm độc, ẩn mình, rất khó để nhận diện. Vì vậy, mỗi người dân chúng ta hãy là
những khán – thính giả thông thái, tiếp nhận và thưởng thức văn học, nghệ thuật
một cách văn hóa, văn minh, để không không bị “dắt mũi”, mắc mưu, luôn sẵn sàng
vạch trần bộ mặt thật của chúng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần
bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng, giữ gìn sự bình yên trong đời sống tinh thần
của xã hội, bảo đảm cho nhân dân được quyền thưởng thức các tác phẩm văn học,
nghệ thuật trong sáng, lành mạnh./.
Hồng văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét