Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

MỘT XUYÊN TẠC TRẮNG TRỢN Cho rằng “Đảng, Nhà nước Việt Nam không thể chống tham nhũng”



Thời gian qua, triệt để áp dụng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch phản động và những phần tử cơ hội chính trị luôn đặt trọng tâm và chĩa mũi nhọn vào chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam với mọi thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Phục vụ cho mục đích thâm độc của chúng, gần đây, rất nhiều “chuyên gia phân tích chính trị”, “nhà dân chủ” tự xưng ở trong và ngoài nước thông qua các bài viết đăng tải trên mạng Internet rêu rao rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng”. Đây là luận điệu hoàn toàn vu khống, xuyên tạc trắng trợn bản chất, mục đích và những nỗ lực mạnh mẽ trong “cuộc chiến” phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Một sự xuyên tạc trắng trợn - Ảnh 1    Quyết liệt ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng
Ai cũng biết, tham nhũng là tệ nạn mang tính chất toàn cầu, đặc biệt ở những nước nghèo và đang phát triển. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International): Tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn tới nghèo đói và là rào cản chống nghèo đói trên thế giới.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ, tình hình tham nhũng diễn ra hết sức nghiêm trọng, phổ biến, tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, qui mô ngày càng lớn, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng nhận thức sâu sắc mối nguy hại mà tham nhũng có thể gây ra.
Tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006) đã nhấn mạnh: “Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta cũng thấy rõ hậu quả do tham nhũng gây ra là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về vật chất, mà còn làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức trong tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước và các đoàn thể xã hội. Theo một báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong năm 2007, cả nước đã khởi tố 435 vụ/978 bị can có hành vi tham nhũng, đưa ra xét xử 360 vụ/843 bị can.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, các tổ chức thanh tra bộ, ngành, địa phương triển khai gần 4.500 cuộc thanh tra, kết thúc trên 3.200 cuộc, qua đó, phát hiện xử lý sai phạm trị giá trên 800 tỷ đồng và gần 1.300ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 300 tỷ đồng, gần 600ha đất. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 158 vụ án với 339 bị can về các tội danh tham nhũng, trong đó, tội tham ô tài sản chiếm 80 vụ/155 bị can…
Gần đây nhất, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng (giai đoạn 2012-2014), đã có trên 54 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó có nhiều đảng viên bị truy tố trước pháp luật. Những con số này cùng với những nội dung đề cập, phân tích, đánh giá trong các Văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII cùng với việc đề ra các giải pháp cụ thể để đẩy lùi nạn tham nhũng với quyết tâm chính trị ngày càng cao hơn cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi tham nhũng là một trong những nguy cơ đối với chế độ, với quốc gia. Đồng thời, xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một bộ phận hợp thành của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.
Đặc biệt, thời gian gần đây, những thông tin về công tác phòng chống tham nhũng với hàng loạt vụ án lớn, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân liên tục được đăng tải trên các cơ quan truyền thông đại chúng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Trên thực tế, từ nhiều tháng qua, mỗi khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo, luôn gây sự chấn động dư luận xã hội, bởi đã có những cán bộ thuộc hàng cao cấp của Đảng là Ủy viên Trung ương đương nhiệm và “nguyên” cùng nhiều cán bộ cấp bộ, vụ…, đặc biệt, có cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã có tên trong danh sách cá nhân bị kỷ luật. Đây chính là kết quả của quyết tâm chính trị của Đảng cũng như toàn hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước đang cùng toàn dân đấu tranh có hiệu quả phòng chống tham nhũng, biến “cuộc chiến” chống tham nhũng thành phong trào, xu thế của cả xã hội.
Những “cái loa” chuyên kích động, gieo rắc sự hoài nghi
Như trên đã nói, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Như mọi quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền và toàn thể xã hội. Thực tế, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước ta đã và đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, cố tình bỏ qua những kết quả không thể đảo ngược trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng ta, nhiều “chuyên gia phân tích chính trị”, “nhà dân chủ” trong và ngoài nước theo chỉ đạo của các thế lực thù địch, thông qua các bài viết đăng tải trên mạng In-tơ-nét vẫn rêu rao: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng”. Họ khẳng định như “đinh đóng cột” rằng, việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta giống như “nhặt cỏ trong rừng”, thậm chí, có kẻ còn ví von như “cuộc chiến chống lại cối xay gió”. Thậm chí, nhiều kẻ còn mạnh miệng khẳng định: “Đấu tranh chống tham nhũng là sự đấu đá nội bộ, phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam”… Đây chính là những suy diễn chủ quan, võ đoán nhằm gieo rắc tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.  
Chúng ta thừa nhận rằng, hiện nay, tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp. Thực trạng này là hệ quả của những “rào cản” mà công cuộc chống tham nhũng đang vấp phải, điển hình do hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật của chúng ta còn yếu kém, bất cập so với yêu cầu phát triển của đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách thiếu tính đồng bộ, tính nhất quán, chưa bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Cơ chế chịu trách nhiệm pháp lý không rõ ràng, bất cập. Sự thiếu dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đã tạo cơ hội để những kẻ biến chất “lách luật” “hợp pháp hóa” những hành vi tham nhũng…
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Đảng và Nhà nước ta “bó tay” trước tham nhũng. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được đẩy mạnh; nhiều vụ án nghiêm trọng đã đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Đành rằng, đó là sự mất mát, bài học đau xót đối với Đảng, nhưng là việc phải làm và Đảng ta đã kiên quyết làm một cách nghiêm túc, triệt để, qua đó, góp phần răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Có thể nêu ví dụ: Từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, đã có rất nhiều vi phạm bị xử lý, chẳng hạn như vi phạm của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016; vi phạm của Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số cá nhân khác. Những ví dụ trên đã thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không có “vùng cấm”.
Từ phân tích trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn các giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội… Đồng thời xác định rõ, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất cam go, phức tạp, phải thực hiện kiên trì, bền bỉ, kiên quyết, lâu dài, đầy gian nan, thử thách, không được chủ quan nóng vội.

Vì vậy, quan điểm cho rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam không thể chống tham nhũng” là hoàn toàn không có cơ sở. Thực chất, đây là sự xuyên tạc trắng trợn của những “cái loa” phục vụ các thế lực thù địch, phản động nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta, kích động gây chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, chúng ta phải đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của chúng.

Xuan luan 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét