Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con ưu tú nhất của dân tộc, linh hồn
của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX; người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Người đã cùng Đảng ta
lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên Cuộc cách mạng Tháng Tám lịch sử và
chống lại những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất thời đại, giành lại độc lập dân
tộc, các quyền công dân và quyền con người cho nhân dân ta, mở ra giai đoạn mới
cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Thế nhưng, các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc, vu cáo, bôi
nhọ thân thế, sự nghiệp, đạo đức của Người, với tham vọng “đánh đổ huyền thoại
Hồ Chí Minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật phản ánh một phần tất yếu
của sự phát triển dân tộc Việt Nam, sự nghiệp của Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng
của Đảng Cộng sản Việt Nam là một. Nên xuyên tạc phủ định Bác Hồ
chính là xuyên tạc, phủ định lịch sử dân tộc Việt Nam. Kẻ thù âm mưu làm sụp đổ
và hạ bệ “thần tượng Hồ Chí Minh”, để thực hiện mục đích thâm hiểm là làm mất
giá trị văn hóa nền tảng, tiến tới làm cho Việt Nam đi theo một con
đường khác.
Các thế lực thù địch cố tình tuyên truyền, xuyên tạc: “Tư tưởng Hồ
Chí Minh chỉ là sự ảo tưởng; không có tư tưởng Hồ Chí Minh trên thực tế…”.
Kẻ thù tấn công trực diện rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người
giỏi cổ kim Đông Tây ở nước ngoài rồi bắt chước, chứ không có sáng tạo tư tưởng
gì hết, chẳng có tư tưởng gì đặc sắc cao sâu cả. Hồ Chí Minh không phải là người
sáng tạo lý luận tư tưởng. Kẻ
thù cố tình xuyên tạc rằng, lí do để Đảng Cộng sản Việt Nam tôn vinh và đề cao
Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì những năm 1988- 1990, hệ thống các nước CNXH ở Liên
Xô và Đông Âu sụp đổ; câu khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác- Lê nin bách chiến bách thắng”
đã mất hoàn toàn giá trị. Nên Đảng cộng sản Việt Nam đề cao và ghép tư tưởng Hồ
Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lê nin với hàm ý rằng bên châu Âu người ta thất bại,
còn chúng tôi thành công và chúng tôi có quyền lãnh đạo vĩnh viễn là hợp lý là
nhờ có Tư tưởng Hồ Chí Minh…Thậm
chí, họ còn cho rằng nếu trong cách mạng và kháng chiến, Việt Nam mà có những
nhà lý luận, nhà tư tưởng thì đó là là Tổng bí thư Trường Chinh, là Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, chứ không phải là Hồ Chí Minh. Họ nhấn mạnh Hồ Chí Minh chỉ là
người có tài tập hợp lực lượng, là người hành động giỏi, xuất sắc.
Một lần nữa chúng ta khẳng định sự tồn tại
khách quan và giá trị to lớn của Tư tưởng Hồ Chí Minh với nội dung cốt lõi là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt
Nam. Giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đoàn kết một
lòng, bằng ý chí, quyết tâm giữ gìn sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, đã vượt
qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Đồng thời khẳng định
một cách chắc chắn rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ là “ảo tưởng”, bởi
giá trị lý luận và thực tiễn của những quan điểm khoa học và cách mạng trong tư
tưởng Hồ Chí Minh đó được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm,
minh chứng là hoàn toàn đúng đắn.
Nói về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và
những cống hiến của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Việt
Nam và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt
xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các
dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Rõ ràng, sự đánh giá, khẳng định giá trị
lý luận và thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc của
UNESCO, của các tổ chức khoa học và những nhà hoạt động chính trị, những học
giả có uy tín trên thế giới, chắc hẳn không chỉ “dựa vào cảm tính” hay chỉ là
sự “ảo tưởng”.
Ỏ một góc độ khác, các thế lực thù địch âm
mưu xuyên tạc rằng: Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác- Lê nin vào Việt Nam là
một sai lầm lịch sử, là nguyên nhân gây ra cảnh "nồi da nấu thịt"
suốt mấy chục năm.
Các thế lực thù địch tung ra đủ thứ lý
luận xuyên tạc rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh “du nhập” chủ nghĩa Mác-Lê nin vào
Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì chủ nghĩa Mác- Lê nin
là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc. Kẻ thù công khai xuyên tạc, nếu Hồ Chí
Minh không đưa Chủ nghĩa Mác- Lê nin vào áp dụng ở Việt nam thì đâu dẫn đất
nước đến hai cuộc “nội chiến”, nếu để đất nước dưới sự “cai trị” của Pháp và Mĩ
thì Việt Nam hôm nay đã giàu có và phát triển mạnh mẽ. Chúng rêu rao các môn
khoa học Mác- Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam đang đi ngược xu thế
toàn cầu hóa và do đó không thể đi ra được quốc tế. Còn chủ nghĩa Mác- Lê nin
giống một thứ môn tâm lý học chứ không phải môn khoa học, còn Hồ Chí Minh rõ
ràng là một nhà mưu lược chứ không phải là một nhà tư tưởng, thật sự không tồn
tại cái mà Đảng gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng
ta khẳng định rằng, chính nhờ trí tuệ thiên tài, nhờ lòng yêu nước cháy bỏng và
khát vọng độc lập tự do mãnh liệt mà Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu
Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt
Nam. Nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam mà chúng
ta mới có đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay.
Kẻ thù âm mưu cô lập, tách rời tư tưởng Hồ
Chí Minh ra khỏi Chủ nghĩa Mác- Lê nin, nhằm công phá và phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng và dân tộc Việt
Nam.
Kẻ thù rất thâm độc khi cố tình tuyên truyền học thuyết
Mác – Lê-nin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá”, và rằng,
tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, bởi trong đó đã bao hàm chủ nghĩa Mác – Lê-nin,
thậm chí còn cao hơn chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chúng
ngụy biện rằng, bây giờ học thuyết Mac- Lê nin đã không còn phù hợp thực tiễn, nên
Việt Nam chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao chủ nghĩa Hồ Chí Minh
là đủ. Các quan điểm sai trái trên đều rất nguy hiểm thâm độc, nhất là
cố tình tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa
Mác – Lê-nin. Bởi, quan điểm này thể hiện tính ngụy biện, không phủ nhận sạch
trơn nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng tầm một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh
dễ làm cho một số người cả tin, ngộ nhận. Đây
là một luận điệu hết sức nguy hiểm, vì tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ
nghĩa Mác- Lê nin sẽ làm suy yếu tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ
định chủ nghĩa Mác- Lê nin, tiến tới phủ định chính ngay tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng ta thấy rằng
những quan điểm tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc
đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin đều sai trái, thâm
độc. Vì những quan điểm đó không phải là ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh
theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, kẻ thù
muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu
của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, làm suy yếu và tiến tới phủ định
chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguy hiểm hơn, luận điểm sai trái đó là cùng một
lúc nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí
Minh; theo đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng làm suy yếu và đi đến
xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng ta thấy rằng khởi
nguồn của Tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác- Lê nin, nên Tư tưởng Hồ Chí
Minh phải luôn đặt trong mối quan hệ
biện chứng, khăng khít, không thể tách rời với Chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Bản chất của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư
tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì
thế, không thể tách rời mối quan hệ vốn có giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ
nghĩa Mác – Lê-nin, không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và ngược lại.
Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc Tư
tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự sao chép máy móc chủ nghĩa Mác- Lê nin và sao chép
tư tưởng của người khác.
Kẻ thù tấn công
rằng những quan điểm của Hồ Chí Minh rời rạc và chung chung chứ không phải là
hệ thống, không đưa đến một chương trình hành động nào. Chúng cho rằng tư tưởng
phải nằm trong một hệ thống triết học hoặc một hệ thống tư duy, ông Hồ không
đưa ra được một hệ thống mới. Kẻ
thù đưa ra dẫn chứng là Bác Hồ gần như không có tác phẩm nào chuyên bàn về lý
luận, tư tưởng như Các Mác, Lênin, Mao Trạch Đông. Tuy rằng Toàn tập Hồ Chí
Minh dài nhiều vạn chữ nhưng chỉ là do Bác đọc nhiều, nhớ nhiều, giỏi chọn
những mẩu tư tưởng của người khác xưa nay và Đông - Tây rồi đem ra dùng đúng
lúc, gây ấn tượng và đạt hiệu quả tuyên truyền giáo dục cao. Kẻ thù rêu rao rằng: Ông Hồ hay trích dẫn ca dao, tục
ngữ, thường nhắc lại những câu nói của người xưa, vì ông không dẫn nguồn nên
các thế hệ học giả vốn quen lừa dối cứ tưởng ông là người đầu tiên đưa ra những
quan điểm đó.
Lúc sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói rằng: Người lựa chọn Chủ nghĩa Mác - Lê-nin
là vì học thuyết đó đã trả lời cho Người câu hỏi phải làm gì và làm như
thế nào để cứu nước và giải phóng dân tộc. Đồng thời, Người sẵn sàng chọn lọc,
học hỏi tất cả những tinh hoa trí tuệ của nhân loại, không phân biệt phương
Đông hay phương Tây, kể cả những mặt tích cực của tôn giáo nhằm mưu cầu hạnh
phúc cho nhân dân. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo và
Tuyên bố vào ngày mồng 2-9-1945 đã trích Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm
1776; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 là một ví dụ. Người
nói: Học tập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là "học tập cái tinh thần xử
trí mọi việc, đối với mọi người, và đối với bản thân mình,…là để áp dụng một
cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”.
Chính vì vậy, chúng ta kiên
quyết khẳng định rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết
quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ
thể của nước ta. Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa
Mác-Lênin, tiếp thu bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết này. Trong
quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo
những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết thành công những vấn đề
cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác. Kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển đó đã bổ sung vào
kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trong thời gian gần đây, kẻ thù tập trung xuyên tạc về
đời tư, nhằm bêu xấu, hạ bệ thần tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, kẻ thù trắng trợn phát tán các loại
sách và phim phản động, nhằm xuyên tạc thân thế, sự nghiệp và tấm gương đạo đức
cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của
nhân dân ta. Chúng cố tình xuyên tạc bản thân Bác và Đảng ta đã không trung
thực về “ngày sinh” “ngày mất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ lý giải hiện tượng
lòng dân và ý dân Việt Nam yêu kính Hồ Chí Minh là do sùng bái cá nhân…Một nội
dung mà các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, bôi nhọ là chuyện Bác Hồ có
vợ có con hay không?.
Kẻ thù cố tình xuyên tạc, thêu dệt ly kỳ chuyện “đời tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích bôi xấu Người. Chúng cho rằng Bác
Hồ không phải là người đấu tranh giải phóng con người, đấu tranh
giải phóng phụ nữ, mà chính là người bội bạc với phụ nữ. Thậm chí chúng còn trắng trợn khi xuyên
tạc Hồ Chí
Minh có một người vợ là người Pháp, một là người Đức, một là người Nga, hai
người vợ Trung Quốc, hai người vợ Việt Nam…Có
nhà nghiên cứu ở nước ngoài đã viết bài đề cập về cuộc sống vợ chồng Hồ Chí Minh với cô gái tên là Tăng Tuyết Minh (người Trung Quốc).
Rồi trong một tài liệu khác, kẻ thù tung tin Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Minh
Khai từng là vợ chồng trong thời gian ở Nga và Trung Quốc….Thậm chí, câu chuyện
về danh sách vợ con của Hồ Chí Minh, theo họ, chưa dừng lại ở đó.
Thế nhưng, trên thực tế, các tài liệu phản động trên
đây đều không có chứng cứ rõ ràng, đều không thuyết phục. Là thế hệ trẻ, sinh
ra và lớn lên sau chiến tranh, với tất cả tấm lòng thành kính với Bác, tôi thấy rằng, trong cuộc
đời của Bác có tình yêu nam nữ thì cũng là lẽ thường tình. Thời trai trẻ, Bác
là một thanh niên thư sinh, thông minh, giàu tình cảm với đất nước, quê hương,
giàu tình nhân ái với con người, nên chuyện Bác Hồ có tình cảm với phụ nữ và người
phụ nữ trong và ngoài nước có tình cảm với Bác cũng là điều bình thường, không
có gì làm to chuyện cả. Vì Bác cũng là một con người bình thường, bằng da, bằng
thịt, có tình cảm yêu gét rõ ràng, chứ không phải là “thần thánh”. Bản thân tôi
nhận thức rằng nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh có vợ, có con, nghĩa là có gia đình
riêng, thì cũng không làm mất đi tấm gương đạo đức cao đẹp của Bác, không làm
mất đi sự kính trọng và tình cảm sâu sắc trong tôi và nhân dân dành cho Bác. Bởi
cho dù có vợ, con thì sự hi sinh tình cảm gia đình nhỏ, tình cảm gia đình lớn
(cha mẹ, anh chị em ruột thịt), tình cảm quê hương và công lao của Bác dành cho
dân tộc Việt Nam là quá lớn.
Nhưng cần khẳng định một cách
chắc chắn rằng, Hồ Chí Minh chưa bao giờ có vợ con. Lúc trai trẻ thì Bác phải đi
khắp các châu lục để tìm con đường cứu nước, không có thời gian dành cho hạnh
phúc riêng tư. Trong suốt hơn 30 năm bôn ba hải ngoại, Bác phải lao động đủ thứ
nghề để kiếm sống, để tìm đường cứu nước, để tránh sự truy lung gắt gao của mật
thám và các tổ chức phản động. Năm 1941, về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng thì
Bác đã hơn 50 tuổi, rồi từ đó tất cả thời gian và trí tuệ của Người dành cho sự
nghiệp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã không ít lần nói về khiếm khuyết của chính cuộc đời mình, và một
trong những khiếm khuyết đó là không có vợ; do vậy Bác đã từng khuyên thanh
niên Việt Nam đừng nên học mình về điều đó. Thực tế lịch sử đã cho thấy, suốt cuộc đời hoạt động cách
mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt việc nước lên trên hết, lên trên
việc riêng và việc nhà. Ngày 16-7-1947, trả lời câu hỏi thứ mười của một nhà
báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “Ngài đã
hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: tôi không
nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão
Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có
một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao
giờ đạt được mục đích đó, tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn
thủy, đọc sách làm vườn”. Năm 1948, trong thời gian kháng chiến chống Pháp,
trong cơ quan Phủ Chủ tịch ở chiến khu Việt Bắc, nhiều người đề nghị Chủ tịch Hồ
Chí Minh lấy vợ. Có lần Bác nói: “Các chú
hỏi bao giờ Bác lấy vợ, phải không? Có hỏi thì có trả lời nhé: Không lâu nữa
đâu! Bao giờ dân ta toàn thắng, Bắc – Nam sum họp một nhà!”
Ngày 9-11-1950, ở chiến khu Việt
Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin anh trai Nguyễn Sinh Khiêm qua đời ở
quê (25-8 năm Canh Dần, tức là ngày 6-10-1950 dương lịch). Ông Nguyễn Sinh
Khiêm qua đời, nhưng mãi hơn một tháng sau Hồ Chí Minh mới nhận được tin. Trong
ánh chiều tà của núi rừng đại ngàn Việt Bắc, ngập dòng lệ, Hồ Chí Minh thảo một
bức điện gửi về quê: “Gửi họ Nguyễn Sinh.
Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá
xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể
lo liệu.Than ôi! Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con
nguyên lượng cho cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nướcNgày
9 tháng 11 năm 1950 Chí Minh”.
Đọc những dòng thư trên lòng
chúng ta xúc động bồi hồi vì thương, vì kính trọng Bác. Như vậy là, chữ hiếu
và chữ đệ ở đây được Hồ Chí Minh đặt dưới “việc nước”. Vì việc nước,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận tội “bất đệ”. trước linh hồn của người anh trai.
Việc nước là trên hết thảy, việc riêng và việc nhà phải tuân thủ và phải chịu
sự hy sinh vì việc nước. Cái tôi cá nhân và hạnh phúc riêng tư của chính mình
bao giờ cũng được Hồ Chí Minh đặt thấp hơn việc chung của Tổ quốc, của nhân dân.
Sự hi sinh cao cả ấy làm cho tình cảm và lòng kính trọng của nhân dân dành cho Bác Hồ
đến một cách tự nhiên chứ không hề áp đặt, khiên cưỡng hay “sùng bái
cá nhân” như kẻ thù rêu rao. Vì bản thân tôi và bao người dân Việt nam luôn
nhìn nhận Bác rất gần gũi, giản dị, một con người như bao người Việt Nam khác,
chứ không xem Bác như một vị thánh, vị thần. Nhưng điều làm bản thân tôi và cả
dân tộc Việt Nam và nhân loại kính yêu Bác là bởi đạo đức cách mạng trong sáng,
bởi nghị lực phi thường, bởi trí tuệ mẫn tiệp và chiều sâu văn hóa trong Bác. Bởi
suốt cả cuộc đời mình Bác đã dành trọn cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do
của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tóm lại, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa có tính bền vững của cả
dân tộc Việt Nam. Giá trị của Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn kết chặt chẽ với truyền
thống vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển
của dân tộc Việt Nam trong hành trình thực hiện mục tiêu “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Trong giai đoạn hiện nay,
các thế lực thù địch âm mưu đánh vào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tức là đánh vào
sự nghiệp cách mạng Việt Nam; kẻ thù âm mưu làm sụp đổ thần tượng Hồ Chí Minh,
tức là làm đánh mất giá trị văn hóa và làm cho Việt Nam đi theo một con đường
khác.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ và phát huy giá trị Tư
tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới hiện nay là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân. Đặc biệt, trước âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ, hòng “hạ
bệ” thần tượng Hồ Chí Minh, đòi hỏi chúng ta phải có những nội dung, giải pháp
đấu tranh phù hợp, hiệu quả, để hình ảnh, tấm gương, đạo đức, tư tưởng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh mãi trường tồn và luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam tiến về
phía trước.
Văn Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét