Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

QUY CHỤP VÀ CÀO BẰNG - THỦ ĐOẠN XẢO TRÁ QUEN THUỘC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG.


Hiểu theo nghĩa thông thường thì quy chụp là đổ lỗi cho người khác theo kiểu quy kết, chụp mũ; còn cào bằng là đánh đổ đồng, coi ngang bằng như nhau, không phân biệt rõ ràng mức độ hơn kém, cao thấp đối với những cái mà lẽ ra phải tường minh, khách quan và rạch ròi. Trong cuộc sống hàng ngày, quy chụp và cào bằng là những thói tính xấu, thường bị dân chúng căm ghét, xa lánh. Những kẻ có tính quy chụp bị coi là bỉ ổi, đê tiện. Tuy nhiên, với bản chất thâm độc và mục đích chống phá, các thế lực thù địch, phản động lại coi đó như những “tuyệt chiêu”, những “bảo bối”; chúng truyền tụng cho nhau, gia cố, thêm thắt, sáng tác thêm những mánh khóe mới, đúc kết, “nâng tầm”, nhào nặn ra được khá nhiều những thủ thuật, chiêu thức, biện pháp, cách làm mới, biến thủ đoạn quy chụp và cào bằng thành “công nghệ chống phá” ngày càng tinh vi, thâm hiểm, ngang ngược và xảo trá.

          Để phục vụ cho mục đích chống phá, làm cho tình hình cứ hư hư thực thực, đầu làng cuối xóm râm ran với những câu chuyện bán tín bán nghi, mọi vấn đề đều bị xới tung lên dẫn đến niềm tin suy giảm, tâm trạng chán chường…và chỉ như vậy thôi là mục đích của chúng đã đạt được. Bởi vậy, quy chụp và cào bằng là những thủ đoạn được chúng sử dụng nhiều nhất, nó hiện diện ở hầu như trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, nhất là với những sự kiện nóng, sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

          Còn nhớ dịp bão lũ tháng 10 năm 2020, bao nhiêu sự quan tâm chăm lo của Đảng và Chính phủ, bao nhiêu sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền, bao nhiêu nét đẹp văn hóa sẻ chia, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau và sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đều bị chúng phủ định, bỏ qua; riêng có câu chuyện một số ca sỹ, người mẫu tham gia cứu trợ đồng bào miền Trung lại được chúng “bắt sóng”, vồ vập tung hô với đủ các mỹ từ lộng ngôn và cũng ngay lập tức, các ngón nghề quen thuộc đó là suy diễn, quy chụp được chúng sốt sắng khai triển. Rất nhiều những luận điệu xấc xược đã được chúng chế tác, phát tán như “nghệ sĩ làm việc thiện hiệu quả hơn tất cả các cơ quan Nhà nước”, “người dân đã mất hết niềm tin vào các cơ quan công quyền”, “cần giải tán các cơ quan làm công tác cứu trợ”…. Rạng sáng ngày 13/10/2020, để cứu nạn sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã có đến 13 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh. Trong sự cảm phục, tiếc thương của đồng bào cả nước vẫn có những kẻ “ngáo đá về chính trị” đã dở giọng quy chụp khẳng định sự trơ trẽn đến mất hết nhân tính: “Tưởng là đi cứu người, hóa ra là các quan đi khám điền thổ”!. Sau những màn đấu tố các cơ quan chức năng, chúng ta thừa biết tất yếu “mũi nhọn của chiến dịch” rồi sẽ chĩa vào Đảng, vào chế độ. Bởi vậy, với những quy chụp kiểu như "Đảng, Nhà nước thờ ơ, bỏ mặc người dân trong đói rét", “lũ lụt trắng trời miền Trung, Đại hội Đảng vẫn ăn mừng to”..vv đã không làm ta ngạc nhiên; trái lại, càng làm cho mọi người nhận chân rõ hơn bản chất thâm độc của chúng.

          Trong đại dịch covid -19 ngoài việc xuyên tạc sức mạnh của sự gắn kết giữa lòng dân-ý đảng; bôi đen, phủ định sạch trơn thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị và nhặt nhạnh bơm phồng một số những khiếm khuyết trong cuộc chiến mới mẻ và gian khó; chúng “nắn dòng dư luận”, trâng tráo với những quy chụp đến thô thiển, kiểu như “ Việt Nam che dấu F0” , “ở Việt Nam người nghèo không có cơ hội được tiêm vắc-xin”, “Vắc xin chỉ ưu tiên tiêm cho công an, quân đội”, rằng “chính phủ không quan tâm đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn”, “Việc đưa quân đội vào Thành phố Hồ Chí Minh là để trấn áp người dân”..vv.

          Với tinh thần “kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực”; Đảng, Nhà nước ta đã và đang có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Việc chỉ trong một nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, thứ trưởng, bộ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, Ủy viên BCH Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Nó minh chứng cho nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong chỉnh đốn Đảng. Nó thể hiện sâu sắc việc quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác chỉ đạo xử lý vụ án Trần Dụ Châu “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Nó khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, sức mạnh của Đảng, uy tín của Đảng và niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức. Hằn học với những thành công của Đảng trong cuộc đấu tranh này, các thế lực thù địch, phản động đã ngay lập tức “bổn cũ chép lại”, gia cố, nâng cấp các chiêu trò để “bé xé ra to”, “ít xít ra nhiều”, tạo nên những ma trận thông tin song chỉ có duy nhất một gam màu xám xịt và u ám về chế độ. Với thủ đoạn quy chụp, chúng biến việc xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng nội bộ”, đấu đá nội bộ”, “thanh lọc phe cánh chính trị”. Khi Đảng ta chấn chỉnh một Bí thư Tỉnh uỷ có sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, chúng đã tán phát nhiều bài viết quy kết, suy diễn đổ “lỗi do chế độ”, rằng chế độ cộng sản chỉ “đẻ” ra những sản phẩm “cả họ làm quan”, không có chỗ cho người nghèo, người giỏi tiến thân. Khi Đảng xử lý nghiêm khắc một số cán bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, chúng quy chụp, cho đó là “Sự phá sản của các bí thư thành uỷ”, rằng “công tác nhân sự của Đảng Cộng sản đầy lỗ hổng”, Đảng “lựa chọn cán bộ không theo một quy chuẩn nào”, “việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ không dựa trên năng lực của từng người mà căn cứ trên sự thoả thuận của các “nhóm lợi ích”, Đáng lưu ý, sau mỗi quy kết, các đối tượng thường không quên “cài cắm” thông tin đòi thay đổi chế độ chính trị, yêu cầu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những chiêu thức cào bằng, chúng “lập lờ đánh lận con đen”, lấy cái riêng biệt quy chụp cho cái chung, lấy sai phạm của một cá nhân đơn lẻ quy kết, áp đặt cho cả một tổ chức. Chúng rêu rao, tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”; “ xã hội Việt Nam không có dân chủ nên không thể chống được tham nhũng”, rằng “càng phát động chống tham nhũng, thì tham nhũng ở Việt Nam sẽ càng gia tăng”..., từ đó quy kết “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”!.

          Mục đích của các thế lực thù địch trong việc thực hiện các thủ đoạn quy chụp, cào bằng chính là để thực hiện âm mưu chia rẽ nội bộ, gây mất niềm tin giữa Đảng với nhân dân. Mục tiêu cuối cùng của chúng vẫn là nhằm xóa bỏ chế độ, xóa bỏ thành quả cách mạng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng,phá bỏ cuộc sống yên bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Các hoạt động như chỉ đạo phòng chống lụt bão, phòng chống đại dịch, xây dựng và chỉnh đốn đảng và nhiều hoạt động, sự kiện chính trị khác chỉ là những nguyên cớ để chúng lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Chống phá là bản chất, là thuộc tính vốn có của chúng. Tuy nhiên, chúng có chống phá được hay không phụ thuộc vào nhận thức, ý chí, bản lĩnh, tư cách, phẩm chất và năng lực của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta, trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên. Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho tình hình chuyển biến thật sự, có được kết quả rõ ràng, cụ thể, đập tan được mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đòi hỏi mỗi người chúng ta “nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng”, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét