Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

NGƯỜI VIỆT CẦN TỰ HÀO VÀ GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT

 

Cách đây ít lâu, có một bạn du học sinh Việt Nam mới sang Hàn khoảng hơn năm đã quên tiếng Việt và nói giọng lơ lớ, nhát gừng. Trong phần livestream, anh bạn này giao tiếp chủ yếu với dân mạng tiếng Hàn và tiếng Anh, người xem nghĩ là anh là một người Hàn Quốc đang học tiếng Việt nên khen tới khen tấp. Và có một bạn hỏi là: “Anh mới học tiếng Việt à”, bạn này trả lời: “Không anh học lâu rồi, học từ nhỏ. Vì anh là người Việt Nam mà”. Đấy, câu chuyện tự dưng lại mang một ý nghĩa khác.

Mới sang Hàn được hơn năm, nhưng đã quên tiếng mẹ đẻ. Có phi lý không?

Tiktoker nổi tiếng “Bino chém tiếng Anh” cho biết, dù thông thuộc nhiều ngoại ngữ, có quá trình du học bên nước ngoài từ lâu, nhưng anh vẫn trân trọng tiếng Việt và “không hề quên” tiếng Việt. Anh gợi ý chỉ nên sử dụng một số tiếng Anh cơ bản mà người nghe, người đối diện có thể hiểu rõ ràng. Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể sử dụng tiếng Anh là các thuật ngữ tiếng Anh trong chuyên ngành, dịch ra tiếng Việt thường khá dài, khó dịch hoặc khó mô tả hết.

Hồi lâu trước, mình có xem được một người nước ngoài bày tỏ: “Bạn không phải xin lỗi tôi vì không nói được tiếng Anh, mà tôi phải xin lỗi bạn vì tôi không nói được tiếng Việt, tại vì tôi đang đứng trên đất nước của bạn mà”.

Đợt lâu rồi, có một clip ghi lại cảnh bác Phúc phát biểu tại nghị trường quốc tế bằng tiếng Việt, người ta nói bác là “lãnh đạo người ta nói tiếng Anh, còn lãnh đạo nhà mình thì phát biểu tiếng Việt” rồi “nói người ta có hiểu không?”. Thực ra, trên nghị trường quốc tế và các thông lệ ngoại giao, các vị nguyên thủ, lãnh đạo thường chỉ sử dụng tiếng của nước mình. Việc sử dụng ngôn ngữ của nước mình vừa gợi nhớ cho thế giới là chúng ta đến từ đâu, là dân tộc gì… Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể nói chuyện tốt bằng tiếng Anh, tiếng Hy Lạp nhưng đứng trước Liên Hợp Quốc, ông vẫn phát biểu bằng tiếng Pháp. Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Moon Jae-in, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha… cũng đều sử dụng tiếng của nước họ khi đứng trước nghị trường thế giới.

Trong giai đoạn đế quốc thực dân, nhiều quốc gia đã dân bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ, chữ viết hoặc cả hai. Việt Nam là một ngoại lệ rất rõ ràng. Sau bao nhiêu năm, người Việt không phải nói tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung hay tiếng Nhật, ngược lại, chúng ta đã khéo léo vay mượn và tận dụng những ngôn ngữ trên để làm giàu cho tiếng Việt.

Bạn nào theo dõi Hospital Playlist trên Netflix sẽ biết là các thuật ngữ y học trong phim gần như đều có thể dịch ra tiếng Việt. Như cô bé Jenny Huynh, một Tiktoker/Youtuber rất có tiếng, sống ở nước ngoài rất lâu rồi, nhưng khi làm vlog cho người Việt xem, cô bé đều chủ đạo sử dụng tiếng Việt. Hoặc nếu bạn nào đã và đang sinh sống ở nước ngoài, nếu vô tình nghe thấy một câu từ tiếng Việt sau thời gian dài, hẳn sẽ thấy rất bình yên.

Theo một nghiên cứu của ĐH Lyon, Pháp, tiếng Việt có mật độ truyền tải thông tin cao nhất thế giới và họ thường lấy tiếng Việt làm chỉ số mốc để đo mật độ truyền tải của các ngôn ngữ khác trên thế giới. Đó là một điểm mà mình nghĩ, chúng ta nên tự hào.

Thời buổi toàn cầu hóa, mỗi người Việt đều có khả năng trở thành một “công dân toàn cầu” thông qua ngoại ngữ. Ngoại ngữ tạo nhiều cơ hội hơn cho mỗi người về việc làm, tiếp thu văn hóa, tri thức…Nhưng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, việc lạm dụng ngoại ngữ, chèn ngoại ngữ vào tiếng Việt một cách thiếu kiểm soát hoặc để thể hiện, không khiến bạn trở nên thượng đẳng hơn so với người khác đâu.

Dù nói được bao nhiêu ngôn ngữ, hộ chiếu của các bạn vẫn ghi hai chữ Việt Nam. Đừng quên rằng, nước Việt Nam độc lập, tự do được truyền ra thế giới vào 07/09/1945 qua câu nói: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét