Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ - CÒN ĐÓ MỘT NIỀM TIN


          1. Vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc quyết định chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội. Nêu gương là hành vi đạo đức mẫu mực của người cán bộ bởi nó tạo ra những giá trị nhân cách tốt đẹp, có tính giáo dục, thuyết phục cao; luôn đóng vai trò định hướng, dẫn dắt mọi người làm theo; là đạo lý, truyền thống mang bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và là một nguyên tắc căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nêu gương. Người cho rằng “…một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, vì nó là biện pháp cơ bản, thiết thực, hiệu quả nhất để động viên, khích lệ quần chúng thực hiện nhiệm vụ; nó là động lực giúp cán bộ “... công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

Với trọng trách là “người đầy tớ” trung thành của nhân dân, cán bộ, đảng viên phải phát huy tốt vai trò ‘miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” trước chiến sĩ và nhân dân. Ở đâu và trong mọi hoàn cảnh, cán bộ đều phải nêu tấm gương sáng về đức tính hy sinh, “dĩ công vi thượng”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

          Nêu gương đã trở thành một giá trị văn hóa lãnh đạo của Đảng, góp phần làm cho “Đảng ta là đạo đức, là văn minh; là tiêu chuẩn nổi bật của đảng viên mà chúng ta phải quán triệt và thực hiện bằng việc làm cụ thể, làm tốt phương châm: Đảng viên đi trước, làng nước đi theo; trên làm gương mẫu mực dưới tích cực làm theo. Đó là “bí quyết để tạo ra chuyển biến cách mạng của tình hình kinh tế và xã hội”…Những chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã được lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên tự giác chấp hành, trở thành những tấm gương sáng, được nhân dân ghi nhận và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, đánh giá cao. Vì lẽ đó, Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Đảng khẳng định: “Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, cũng là phẩm chất quan trọng của người cán bộ, đảng viên”…

          2. Nêu gương là nguyên tắc thực hành đạo đức, việc làm tự giác, thường xuyên của cán bộ. Để hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, cán bộ quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp phải có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; trong đó, nêu gương trước cán bộ, chiến sĩ và nhân dân là một phẩm chất đặc biệt quan trọng không được thiếu.

Sự mẫu mực trong lời nói, việc làm có tác dụng lôi cuốn, thuyết phục cán bộ, chiến sĩ và cùng với họ quyết tâm thực hiện “nói đi đôi với làm”; lấy gương người tốt việc tốt để tuyên truyền việc học tập và nêu gương. Nhờ đó lấy được lòng tin của chiến sĩ và nhân dân. Những tấm gương bình dị, dũng cảm chiến đấu, chịu đựng gian khổ, hy sinh, là lời hiệu triệu, động viên cán bộ, chiến sĩ xả thân chiến đấu, lập nên những kỳ tích vĩ đại, nhờ đó đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; đem lại hiệu quả to lớn, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, có sự lan tỏa rộng lớn như các phong trào, cuộc vận động: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Hành trình Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, “Gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “cứu hộ cứu nạn” giúp dân. Thông qua các hoạt động, các mô hình, phong trào ấy, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng, sống mãi trong lòng dân.

Cùng với toàn quân thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội luôn gương mẫu, đi đầu, xung kích trong thực hiện chức năng là đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tại, cứu hộ, cứu nạn, chống dịch bệnh Covid - 19, quân đội luôn ở tuyến đầu, tâm dịch; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích; luôn có mặt kịp thời ở những “điểm nóng”, nơi xảy ra thiên tai, bão lụt và dịch bệnh, bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình, dầm mình trong nước lũ để cứu hộ, cứu nạn; giúp dân sơ tán, phòng tránh, hỗ trợ kịp thời tiền, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhường doanh trại, bếp ăn và các tiện nghi sinh hoạt ở đơn vị cho nhân dân sử dụng; giúp họ nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định tinh thần, khôi phục sản xuất và cuộc sống; tiêu biểu như: tham gia cứu nạn 12 công nhân trong vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Lâm Đồng (12-2014); tham gia giúp dân tỉnh Quảng Ninh trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2015; khắc phục hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận; khắc phục sự cố hỏa hoạn và ô nhiễm chất độc hóa học tại Nhà máy Bóng đèn - Phích nước ở Thanh Xuân, Hà Nội (8-2019); chuyển đổi nhiều doanh trại quân đội thành Bệnh viện dã chiến, giúp hàng chục ngàn người dân thực hiện cách ly xã hội, tránh lây nhiễm vi rút Sard Covi 2 trong cộng đồng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh, thành ở Nam Bộ hiện nay, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

          Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng, của Thường vụ Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở một bộ phận cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị quân đội còn có hạn chế nhất định như chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, yêu cầu và nội dung, biện pháp nêu gương, chưa thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ nêu gương của bản thân; chưa thật sự mẫu mực trong lời nói, việc làm, trong rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, sinh hoạt.

Ở một số cán bộ chủ trì còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, lợi dụng chức quyền để trục lợi, có hành vi tham nhũng; cá biệt đã có cán bộ cấp cao suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội đến mức phải cách hết các chức vụ trong Đảng và bị truy tố trước pháp luật, gây tâm tư, bức súc và dư luận không tốt trong cán bộ, chiến sĩ quân đội và Nhân dân. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, sớm có giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục nhưng hạn chế, khuyết điểm, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong thời kỳ mới.

          Để tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, biện pháp tốt nhất là thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương về nêu gương. Vì vậy, trong thời gian tới, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

          Một là, tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì trong thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội” cần nêu cao ý thức tự giác học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; cán bộ cấp trên gương mẫu cho cấp dưới noi theo. Nội dung cụ thể là: Nêu gương về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; trong quan hệ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân; trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ và tác phong công tác, sinh hoạt, v,v..

          Trách nhiệm cuả cán bộ chủ trì là phải nêu gương nói, viết đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, quy định của Quân đội; Nói đi đôi với làm, gương mẫu trong tuyên truyền, vận động gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi biểu hiện thiếu gương mẫu, nói không đi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo; phải có dũng khí vượt qua mọi cám dỗ, những khó khăn, thử thách, chiến thắng chính mình và giúp đỡ cấp dưới khắc phục khuyết điểm để tiến bộ, trưởng thành. Kiên quyết chống lại và không để hiện tượng tiêu cực xảy ra trong đơn vị.

          Hai là, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, của Quân ủy Trung ương thành các tiêu chí, quy định về nêu gương phù hợp.

Cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nêu gương của cán bộ chủ trì để kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí, quy định, bảo đảm cho quá trình thực hiện nêu gương có hiệu lực, hiệu quả thiết thực. Bản thân cán bộ chủ trì các cấp phải thường xuyên nắm chắc và thực hiện tốt các tiêu chí, quy định nêu gương; xây dựng cam kết thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng để tự soi, tự sửa, từ lời nói, việc làm đến tự tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ và sự tín nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để tiếp tục thực hiện tốt hơn sự nêu gương.

          Ba là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì.

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị bằng hành động, lời nói, việc làm cụ thể từng tuần, từng tháng, từng quý của cán bộ chủ trì các cấp. Cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của cán bộ chủ trì các cấp trong toàn quân.

Bốn là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy cần phải có nghị quyết lãnh đạo, xác định rõ mục tiêu, nội dung, biện pháp kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì. Kết hợp chặt chẽ với nhau để đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, “những tấm gương bình dị cao quý” về nêu gương của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị với phê phán mọi biểu hiện thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm của một số cán bộ, đảng viên. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những cán bộ, đảng viên không dám hành động, hoặc “nói nhiều, làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, thậm chí thụ động, ngồi chờ, sợ trách nhiệm.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định nêu gương.

          Có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là sự gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Lấy kết quả thực hiện quy định nêu gương là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, lấy phiếu tín nhiệm; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm kỷ luật.

Nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là tình cảm, trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân mà còn góp phần giáo dục, rèn luyện cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, tô thắm phẩm chất nhân cách cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nhân lên nhiều việc làm tốt, tấm gương tiêu biểu mẫu mực trong toàn quân để cán bộ, chiến sĩ học tập noi theo, làm theo. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh tiêu biểu, mẫu mực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét