Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

BỊA ĐẶT, DỐI TRÁ KHÔNG THỂ LÈO LÁI DƯ LUẬN

 

          Xuyên tạc, bịa đặt, dối trá không phải là chiêu trò mới nhưng vẫn hết sức nguy hiểm mà các thế lực thù địch luôn khai thác triệt để nhằm chống phá Việt Nam. Đặc biệt trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 chiêu trò ấy càng được các thế lực thù địch, phản động gia tăng sử dụng cả về tần suất và độ tinh vi, biến ảo.

          Các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt đủ điều. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh cho nhận định trên. Nhưng trong phạm vi bài viết nay xin nêu 2 ví dụ.

Còn nhớ vào cuối tháng 7 vừa xảy ra sự việc một người đàn ông dùng chất lỏng tự đốt trên đường số 2, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Sự việc sau đó được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội với nội dung: "Một người dân phẫn uất, ngay giữa đường bức bách… tự thiêu". Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đã xác minh, làm rõ và công bố thông tin chính thức: người đàn ông tự thiêu là N.M.H, 46 tuổi, có giấy chứng nhận khuyết tật thần kinh - tâm thần 2. Hành động tự thiêu của ông H. hoàn toàn là do bị bệnh tâm thần không làm chủ được hành vi.

          Sự việc mau chóng trở thành “miếng mồi” cho các thế lực thù địch, trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân xâu xúm rỉa rói, thổi phồng, thêu dệt. Chúng xuyên tạc rằng “người dân tự thiêu để phản đối cách chống dịch COVID-19 của Nhà nước”. Để rồi cứ như vết dầu loang thông tin và hình ảnh ấy lan truyền cực nhanh trên không gian mạng. Đặc biệt những trang mạng của các tổ chức, cá nhân thù địch có thâm niên chống phá Nhà nước Việt Nam không chỉ chia sẻ, đăng lại, bình luận nội dung lan truyền trên mạng mà còn dựa theo những thông tin ấy để viết bài, tạo vidio... lu loa vu cáo, chỉ trích chính quyền bằng đủ các câu từ thô bỉ, tục tĩu và đầy chất kích động. Chúng trắng trợn rêu rao rằng, ông N.M.H chỉ là một điển hình cho hàng triệu người TP Hồ Chí Minh đang bức xúc trước cách “chống dân” chứ không phải “chống dịch” của chính quyền.

          Tương tự là câu chuyện kể về một bác sĩ có tên là Khoa rút máy thở của mẹ mình cứu sản phụ. Vào tối 7/8/2021, trên mạng xã hội lan truyền bài viết: “Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ”. Câu chuyện rất cảm động khiến không ít người mắt ngấn lệ sau khi đọc, không ít mạnh thường quân đã ngỏ ý tặng máy thở cho Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi “bác sĩ Trần Khoa” làm việc.

          Trước sự quan tâm của dư luận, ngay trong ngày 8/8, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ câu chuyện. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định rõ, tại bệnh viện không có bác sĩ nào tên Khoa có hình ảnh như chia sẻ trên mạng, cũng không hề có trường hợp nào rút ống thở của mẹ như trong câu chuyện đề cập. Qua kiểm tra, xác minh Sở Y tế và cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh khẳng định câu chuyện về một bác sĩ có tên là Trần Khoa rút máy thở của mẹ mình để cứu sản phụ là hư cấu, bịa đặt. Sau đó, cơ quan Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính các chủ tài khoản facebook có liên quan về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cũng vào cuộc làm rõ có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh...

          Sự thực câu chuyện chỉ có vậy thế nhưng bất chấp những điều đó, một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động vẫn bu bám lấy câu chuyện “bác sĩ Khoa” để đả kích chính quyền dựng chuyện để mị dân, chỉ trích các cơ quan truyền thông và những người ủng hộ chính quyền Việt Nam đã đưa thông tin sai sự thật để đánh lừa dư luận. Để tỏ ra khách quan, chúng tạo ra những bài viết theo dạng trích các ý kiến, nêu quan điểm của những người dân không xác định được tính chính xác của nguồn tin (dấu tên). Tất cả các ý kiến được ngụy tạo đều tập trung cho ý đồ của chúng là nói xấu chế độ, chỉ trích Đảng, chính quyền và các cơ quan truyền thông của Nhà nước Việt Nam.

          Từ hai ví dụ trên có thể thấy việc vội vàng viết bài, bình luận, chia sẻ những thông tin sai sự thật chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”. Có thể ví không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng giống như cái chợ thông tin mà ở đó bày đủ các “mặt hàng”: hàng thật - hàng giả; hàng chất lượng – hàng kém chất lượng; hàng tươi ngon – hàng ôi thiu... Khi vào “chợ thông tin” để tránh “mua” phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng ôi thiu...thì mỗi người chúng ta hãy trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Dù có thể hiện khéo đến mấy thì những tin, bài hư cấu, sai sự thật trên mạng xã hội cũng không thể che đậy nổi tính phi lý.

Chẳng hạn như trong bài “Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ để cứu sản phụ”, nếu chỉ thận trọng một chút thôi là chúng ta đã thấy sự mâu thuẫn và không hợp lý của câu chuyện. Trong thực tế không thể có chuyện cụ già mắc COVID-19 đưa vào bệnh viện phụ sản nằm điều trị chung phòng với sản phụ mắc COVID-19 chuẩn bị mổ sinh đôi. Mặt khác việc rút máy thở của bệnh nhân dù bất cứ họ là ai đâu phải tùy tiện cứ muốn rút thì rút. Trị bệnh cứu người là công việc cực kỳ hệ trọng, nhất cử nhất động mọi việc phải được diễn ra dưới sự quản lý, điều hành thống nhất của lãnh đạo bệnh viện chứ đâu phải ai thích làm gì thì làm...Rõ ràng trong câu chuyện này nếu chỉ cần suy xét một chút là chúng ta sẽ thấy những điều vô lý và không vội vàng tin theo, bình luận, chia sẻ.

          Chúng ta chẳng lạ gì mưu đồ lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, phức tạp để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Thế nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, từng phút, từng giờ các tổ chức, cá nhân thù địch luôn theo dõi và nắm rất chắc những thông tin có liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, phức tạp của Việt Nam để tìm cách bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt chống phá. Vì thế nếu ai đó đăng tải những bài viết, hình ảnh sai sự thật lên mạng xã hội thì chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”.

          Trong thời gian chúng ta đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19, các thế lực thù địch rất chú ý đến câu móc lực lượng trong nước, cấu kết với các tổ chức, cá nhân phản động ở ngoài nước để thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá. Đặc biệt chúng tìm cách phủ nhận những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà Việt Nam đã đạt được; chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động người dân phản đối công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta.

          Vẫn biết rằng, dù có tinh vi, biến ảo đến đâu đi chăng nữa; dù “nội công” hay “ngoại kích” thì chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt, dối trá của các thế lực thù địch, phản động cũng không thể lèo lái được dư luận. Tuy nhiên trước sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự chống phá của các thế lực thù địch, cùng với thận trọng trong đăng tải bài viết, hình ảnh lên mạng xã hội, khi tiếp cận với những thông tin trên mạng xã hội mỗi chúng ta cần hết sức thận trọng. Thông tin trên mạng xã hội không ai kiểm duyệt, tất cả phụ thuộc vào ý thức xã hội và trách nhiệm công dân của mỗi người. Vì vậy mỗi chúng ta hãy tỉnh táo, sáng suốt nhận rõ âm mưu, thủ đoạn và chủ động tham gia đấu tranh phản bác góp phần làm thất bại mọi chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch. Mặt khác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội cần hết sức thận trọng, đừng vội vàng chia sẻ, bình luận để tự biến mình thành kẻ “nối giáo cho giặc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét