Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

"MUỐN CON HAY CHỮ PHẢI YÊU LẤY THẦY"



Dư luận mấy ngày qua xôn xao hai sự việc đau lòng xảy ra trong trường học. Dù biết rằng, đây chỉ là biểu hiện nhỏ lẻ của một số cá nhân nhận thức yếu kém dẫn đến những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín nhà giáo, song qua đó cũng cho thấy một phần của thái độ xã hội đối với vấn đề văn hóa nơi học đường.
Nước ta ảnh hưởng của Nho giáo trong một thời gian khá dài và sâu sắc, đặc biệt đối với mối quan hệ thầy-trò. Từ lớp vỡ lòng đã được học “Dưỡng bất giáo/ Phụ chi quá/ Giáo bất nghiêm/ Sư chi đọa” (Tam tự kinh) nghĩa là nếu nuôi mà không dạy là lỗi của cha, còn giáo dục mà không nghiêm là tội của người thầy. Ca dao, tục ngữ dân gian đề cao người thầy như “mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Dễ thấy, quan hệ thầy trò là mối quan hệ mẫu mực trong xã hội xưa.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều mối quan hệ lạc hậu, ấu trĩ, ràng buộc cá nhân trong xã hội được cởi bỏ, xóa mờ, song tình thầy trò vẫn được tôn vinh đúng mực. Còn nhớ trong những lớp "bình dân học vụ”, người thầy đứng trên bục giảng đôi khi còn trẻ hơn học sinh trong lớp nhưng tất cả đều thành kính một điều “thưa thầy, thưa cô” xưng “em”. Điều đó phần nào cho thấy tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Đến nay, dù ảnh hưởng của nhiều phương pháp giáo dục hiện đại coi người thầy là người hướng dẫn về phương pháp học tập thì đối với người Việt Nam tình thầy trò vẫn là thiêng liêng, bất biến.
Những sự việc vừa qua đã gây sốc cho toàn xã hội, công luận lên án hành vi xúc phạm danh dự, uy tín nhà giáo. Có ý kiến cho rằng đối với việc hành hung nhà giáo tại nơi làm việc cần phải được coi là hành vi “chống người thi hành công vụ”; ngành giáo dục cần phải xem xét lại vai trò của Hội đồng giáo dục, Công đoàn giáo dục, Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn gửi chính quyền cấp tỉnh đề nghị bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo; đề nghị rà soát, hoàn thiện những bộ quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục. Những biện pháp này có thể làm nguôi ngoai trong chốc lát đối với sự việc cụ thể, song về lâu dài cần phải có những sự thay đổi trong nhận thức của toàn xã hội.
Cốt lõi của vấn đề chính là thái độ xã hội đối với vị trí của người thầy. Biểu hiện của thái độ đó chính là quan niệm “dịch vụ hóa” giáo dục, biến mối quan hệ thầy-trò trở thành quan hệ “bán-mua”. Rồi thái độ phân biệt đối xử ngay trong cơ sở đào tạo, giữa người được biên chế và những người hợp đồng. Ngành sư phạm nhiều năm trở thành ngành học “lót đường” của sinh viên khi điểm chuẩn thấp. Và rồi khi ở một địa phương nào đó cần giảm biên chế thì đối tượng đầu tiên người ta nghĩ đến là nhà giáo? Tất cả những điều đó vô hình chung làm giảm uy tín của ngành giáo dục. Hậu quả là hành vi xúc phạm nhà giáo như đã thấy trong những vụ việc gần đây.
Để nhà giáo giữ được vị trí xứng đáng như nó vốn có, không gì hơn là phải “bảo vệ” họ bằng việc làm ổn định với thu nhập tương xứng công sức lao động; tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về công tác giáo dục, đào tạo, để từ gia đình đến nhà trường chung tay tham gia vào sự nghiệp giáo dục thế hệ mai sau.
Hãy yêu những người thầy, những người chắp cánh cho tương lai con em chúng ta!
Duc Thuong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét