Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH TỰ DO, TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM


Những ngày gần đây, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trên trang mạng “Baotiengdan”, Nguyễn Công Bình – Linh mục Giáo phận Vinh và Nguyễn Mạnh Hùng – Mục sư Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Linh mục Bình và Mục sư Hùng) cho rằng: “Các tôn giáo thay vì được tự do để thành nhà giáo dục lương tâm cho xã hội thì bị chế độ tìm mọi cách để bó buộc im tiếng hay biến thành công cụ”. Vậy có đúng là các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang bị chế độ tìm mọi cách để bó buộc im tiếng hay biến thành công cụ? Phải khẳng định là không đúng như vậy.
Thực chất của luận điệu này, là cố tình xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Không thể chấp nhận sự suy diễn, ngụy tạo nguy hiểm này; ngược lại, cần được kiên quyết đấu tranh với sự cáo buộc sai trái này của Linh mục Bình và Mục sư Hùng.
Trên thế giới, ai cũng biết rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc). Theo đó, Điều 18 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 ghi nhận: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Các quyền này đã được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cụ thể hoá và quy định tại Điều 18 rằng: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo…; Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ… Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy, theo quan điểm được thể hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mặc dù tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền đó không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có thể bị giới hạn bởi pháp luật, nếu việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét