Năm 2023
tròn 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 (gọi tắt là Đề cương) của Đảng ra đời.
Nếu coi Đề cương này là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa nói chung và cuộc
cách mạng văn hóa theo tinh thần mác-xít nói riêng thì các hội nghị văn hóa
toàn quốc, các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 33-NQ/TW của
Đảng khóa XI là những bổ sung, điều chỉnh các mục tiêu cụ thể của đường hướng
được vạch ra từ “đêm trước” của cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân
dân, là điểm mở đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới.
Nhìn vào
thực tế có thể thấy rất rõ 3 phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng” được vạch
ra từ Đề cương cho đến nay vẫn còn giữ được tính khoa học và thời sự. Với một
tư tưởng, một luận thuyết, 80 năm là khoảng thời gian ngắn để đánh giá sức sống
của nó, nhưng có thể thấy những thành tựu của cuộc cách mạng xã hội có phần
đóng góp to lớn của cách mạng văn hóa. Yêu cầu đầu tiên của một đề cương là nhằm
chỉ đạo và tổ chức hành động nhất quán, đúng hướng. 3 phương châm (còn gọi là 3
nguyên tắc) “Dân tộc, khoa học, đại chúng” chỉ được nói tới rất ngắn gọn và
trong thực tiễn, có nơi, có lúc còn hiểu chưa đúng, còn đơn giản hóa những
phương châm này, nhưng về đại thể, khó ai có thể phủ nhận được những thành tựu
của cuộc cách mạng văn hóa mà Đề cương đã chỉ ra.
Tuy nhiên,
lâu nay, không ít người đã cố tình hiểu sai đường hướng mà Đề cương vạch ra khi
căn cứ vào những ý kiến cụ thể trong những tình huống cụ thể, hay đem những lý
giải của thời kỳ, một ý kiến, luận điểm nào đó được đưa ra rồi gán cho nó những
điều ở ngoài nó, khái quát thành các luận điểm mang tính khái quát nhưng lại
thiếu chính xác về mặt khoa học nhằm “kết tội” đường hướng văn hóa do Đảng khởi
xướng và lãnh đạo là chính trị hóa văn hóa, áp đặt, sai lầm, thậm chí đòi phải
từ bỏ nguyên tắc này hay nguyên tắc khác.
Cuộc sống
biến chuyển nhanh, những đúc kết, nghiên cứu, khái quát cũng cần có thời gian.
Bản chất của văn hóa là tinh thần cộng sinh, kế thừa và phát triển, luôn có yếu
tố tự bảo vệ để bảo tồn những gì là của mình nhưng cũng luôn cởi mở tiếp nhận
các yếu tố từ bên ngoài, bản địa hóa nó, biến nó thành nội lực của chính mình để
làm phong phú thêm cho chính nó. Tiếp nhận Chủ nghĩa Mác là một cách như vậy. Mở
cửa, hội nhập quốc tế, nhịp bước cùng thời đại như chủ trương của Đảng ta hiện
nay là từng bước thực hiện tinh thần ấy. Hòa nhập, nhịp bước cùng thời đại
không có nghĩa là bỏ lại những gì của riêng mình để chạy theo người khác mà cần
đóng góp vào trào lưu chung bằng những thứ của riêng mình, là tinh hoa của
mình.
Quá trình
toàn cầu hóa là một cuộc chơi lớn, cởi mở nhưng cũng sòng phẳng và khắc nghiệt.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi đến tận cùng của cái dân tộc sẽ bắt gặp cái
chung của nhân loại, hay nói chính xác hơn là trong chiều sâu của mỗi nền văn
hóa của các dân tộc cũng chứa đựng phần chung của con người. Một nền văn hóa lấy
dân tộc, nhân dân, đất nước làm điểm tựa sẽ bảo đảm cho đất nước phát triển bền
vững, sẽ như liều kháng sinh văn hóa giúp cho dân tộc ấy, đất nước ấy đủ sức đề
kháng trước những xu hướng không lành mạnh, có hại trong quá trình hội nhập. Đảng
ta coi sự nghiệp cách mạng văn hóa là của toàn dân, trong đó đánh giá cao vai
trò của đội ngũ văn nghệ sĩ là một xu hướng khoa học và nhất quán. Bởi vì ngay
từ những năm đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng:
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó vừa là định hướng, vừa là mục tiêu
cho chúng ta xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, nhân dân hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét