Có thể khẳng định rằng, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trong thế giới hiện đại, không chỉ dừng
lại trong lĩnh vực kinh tế, mà còn mở rộng, lan tỏa, thâm nhập các lĩnh vực
khác của đời sống, từ xã hội, môi trường đến khoa học, công nghệ, văn hóa, pháp
luật, giáo dục,... Chính quá trình tác động và thấm sâu của toàn cầu hóa và hội
nhập kinh tế quốc tế vào toàn bộ các lĩnh vực của một dân tộc, một quốc gia mà
nhân loại đang đứng trước nhiều vấn đề hệ trọng đối với sự đứng vững, tồn tại
và phát triển của từng quốc gia, dân tộc và của từng khu vực trên thế giới
trong quan hệ mang tính toàn cầu đang diễn ra cực kỳ phong phú và phức tạp hiện
nay.
Thành tựu nổi bật của hợp tác quốc tế về văn hóa trong những
năm qua là đã triển khai toàn diện các lĩnh vực hợp tác, giao lưu văn hóa,
thông tin đối ngoại, mở rộng quan hệ ở nhiều địa bàn, từng bước phát triển sang
tất cả các châu lục. Đây là bước phát triển về quy mô và chất lượng của sự hợp
tác quốc tế về văn hóa, qua đó đã làm tốt hơn, có hiệu quả hơn nhiệm vụ
"giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu
có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nưóc ngoài", tạo
nên sự đồng cảm, hiểu biết và xích lại gần nhau hơn nữa giữa dân tộc ta và các
dân tộc trên thế giới.
Tuy vậy, từ kinh nghiệm lịch sử và từ thực tiễn những năm
gần đây, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến tác động tiêu cực của xu hướng toàn
cầu hóa trên lĩnh vực văn hóa. Toàn cầu hóa kinh tế, thông qua hợp tác quốc tế,
chuyển giao công nghệ và các quá trình kinh doanh, quản lý, tổ chức, thông qua
tài trợ và đầu tư, thương mại..., một vài thế lực đã và đang có mưu đồ sâu xa,
thực hiện sự tấn công vào chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức và tâm lý,... của
đất nước ta.
Xuất hiện sự áp đặt vô hình một số giá trị văn hóa ngoại lai
vào đời sống văn hóa Việt Nam. Xuất hiện và len lỏi phát triển vào văn hóa dân
tộc những “giá trị” văn hóa theo khuynh hướng xã hội công
nghiệp hiện đại và mặt trái của kinh tế thị trường như chủ nghĩa thực dụng kinh
tế, lối sống tiêu thụ, hưởng thụ, khát vọng tiền tài, tư tưởng kỹ trị và vị kỷ,
chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự sùng ngoại và đua đòi những lối sống và thị hiếu
thấp kém, xa lạ, không phù hợp với dân tộc, những tệ nạn xã hội nguy hiểm như
ma tuý, mại dâm...
Bên cạnh đó thời gian qua, ở nước ta đã diễn ra không ít sự
đảo lộn các giá trị văn hóa, trong đó các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống
như trọng tình nghĩa, ưu tiên về mặt đạo đức, vị tha, trung thực,... bị lấn
lướt, xâm hại, sự lên ngôi của những giá trị ngoại lai, xa lạ trong một bộ phận
quần chúng, sự lộn xộn, lúng túng, bị động, không bình yên trong đời sống tinh
thần, trong lối sống và thị hiếu, trong đạo đức, đặc biệt những biến động phức
tạp của các lĩnh vực tâm linh, tôn giáo,... Toàn cầu hóa như một cơn lốc mạnh.
Mặc dầu đã có sự chuẩn bị, song chúng ta chưa lường hết được tác động phức tạp
của quá trình đó, vì vậy, văn hóa của chúng ta đang chịu những sức ép, sự va
đập mạnh và sâu, đang đứng trước những thử thách gay gắt chưa từng có.
Nhận thức sâu sắc đặc điểm, thách thức và quy luật đó của
quá trình toàn cầu hóa, cần phải khẳng định rằng, để xây dựng một nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa, trước
những thách thức và tác động phức tạp của mặt trái toàn cầu hóa trên lĩnh vực
văn hóa, chúng ta sẵn sàng và chủ động mở cửa, hội nhập, hòa mình vào xu thế
chung của thế giới hiện đại, đồng thời đứng vững trên những nguyên tắc quan
trọng, làm cơ sở cho việc tranh thủ thời cơ, vượt qua trở ngại, thách thức và
tự lực, chủ động xây dựng văn hóa dân tộc bằng sức mạnh, bản lĩnh, cốt cách của
chính dân tộc ta.
Mở cửa, hội nhập, giao lưu và hợp tác nhằm tiếp thu có chọn
lọc các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, đồng thời phải bảo vệ, bảo
toàn các giá trị tốt đẹp, cao quý, bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.
"Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp
thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc
khác".
Như vậy, hội nhập và giao lưu văn hóa không phải là phép
cộng các yếu tố văn hóa bên trong và các yếu tố văn hóa bên ngoài, mà phải là
quá trình tích hợp biện chứng, sinh động, nhuần nhuyễn để tạo ra một nền văn
hóa thuần Việt Nam. Toàn cầu hóa góp
phần làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, làm phong phú thêm các nền văn hóa.
Chính sự đối thoại cởi mở và bình đẳng là nguồn lực tạo ra sự phong phú và tính
độc đáo của mỗi nền văn hóa. Nhận thức sâu sắc và vận dụng một cách chủ động
tính quy luật đặc thù đó của hội nhập và giao lưu văn hóa, chúng ta cần kiên
trì xác định nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đối thoại cởi mở để vừa cho và vừa
nhận văn hóa. Nguyên tắc này không phải là kết quả chủ quan của người lãnh đạo
văn hóa, mà về bản chất, là việc đúc kết từ bản thân quy luật đặc thù của sự
tồn tại và phát triển văn hóa nước ta, như các Nghị quyết của Đảng đã xác định
văn hóa Việt Nam là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn
minh thế giới để “không ngừng hoàn thiện mình”.
Trên cơ sở đó, chúng
ta hoàn toàn không chấp nhận một mưu đồ lợi dụng toàn cầu hòa để áp đặt những
giá trị của các nước lớn, của các thế lực cường quyền vào nước ta. Đồng thời,
trong quá trình hợp tác và giao lưu, chúng ta chủ trương loại bỏ những yếu tố
văn hóa ngoại lai, không phù hợp và trái với văn hóa dân tộc, với khát vọng vì
sự phát triển của con người Việt Nam thời kỳ hiện đại, từ đó, chúng ta kiên
quyết "ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi
trụy" từ bên ngoài vào nước ta.
Như vậy, tư cách chủ động hội nhập và giao lưu văn hóa là
một đòi hỏi cao đối với quá trình chỉ đạo hợp tác quốc tế về văn hóa, và đó là
một cuộc đấu tranh không hề đơn giản để một mặt, chống lại sự áp đặt văn hóa
của các thế lực cường quyền, và mặt khác, phê phán và khắc phục căn bệnh tự ti,
bắt chước, lai căng, hoa mắt trước một số sản phẩm văn hóa của nước ngoài.
Những định hướng và yêu cầu trên là cơ sở để chúng ta thực hiện nhiệm vụ xây
dựng và phát triển văn hóa, thực hiện nhiệm vụ hợp tác và giao lưu văn hóa
trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét