Ngày 19/01/2023, trên trang
blog Đối Thoại tán phát bài “Hội nghị Thượng đỉnh về thế giới về tự do tôn giáo
và niềm tin 2023”, ngày 28/01/2023, trên trang facebook Chân Trời Mới Media,
đối tượng Diễm Quỳnh tán phát bài “WGAD đề nghị Việt Nam sửa đổi hoặc xóa bỏ
Điều 117 Bộ luật Hình sự”, nội dung xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của Đảng, Nhà nước ta và tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam; vu cáo Việt
Nam “đàn áp” tôn giáo, “vi phạm” nhân quyền. Đây là những luận điệu xuyên tạc
không mới nhưng vẫn được các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng để chống
phá.
Cần khẳng định rằng, tôn
trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách
nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến
pháp, pháp luật. Đây là một trong những quyền cơ bản của mọi người, được Hiến
pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây, cũng như Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay khẳng định trên nguyên tắc hiến định. Cùng
với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và
hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững
chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.
Thế nhưng, do tư tưởng định
kiến với Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch ở trong nước và ngoài nước,
trong đó có Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) vẫn bất chấp những thành
tựu không thể phủ nhận của Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân để xuyên tạc trắng trợn về tình hình tôn giáo
tại Việt Nam. USCIRF vẫn thường xuyên sử dụng thông tin, tài liệu cũ, không
chính xác từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận cùng số chức
sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để đưa vào các
báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu, phê phán việc thực hiện quyền
tự do tôn giáo ở Việt Nam và khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào
danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Họ tự cho mình
quyền được khuyến khích, cổ vũ các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần
xin phép, đăng ký chính quyền, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các
vùng sâu, vùng xa, gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục,
trái pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và nhân dân. Họ xuyên tạc rằng “cả
Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều có những quy định nhằm
hạn chế quyền tự do tôn giáo”. Họ cho rằng “Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt
Nam bao gồm: các điều khoản mơ hồ cho phép tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh
quốc gia và đoàn kết xã hội là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo” không phù
hợp với công ước quốc tế về quyền con người”. Họ lợi dụng triệt để quan điểm
“quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật” để cho rằng “tự do
tôn giáo của Việt Nam chỉ là hình thức”. Họ dựa vào việc các tổ chức đội lốt
tôn giáo, có những hoạt động vi phạm pháp luật bị chính quyền xử lý để vu khống
Việt Nam “vi phạm tự do tôn giáo, cấm đoán tôn giáo, đàn áp tôn giáo”, v.v…
Tuy nhiên, thực tiễn sinh
hoạt tôn giáo ở Việt Nam hoàn toàn khác xa với những nhận định thiếu khách
quan, mang tính định kiến, xuyên tạc trên. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo luôn được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế; không có
chuyện Nhà nước hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và cũng
không có chuyện “đàn áp tôn giáo”. Những năm qua, nhờ có chủ trương, chính
sách, pháp luật về tôn giáo ngày càng được hoàn thiện và được thực hiện nhất
quán trong thực tiễn, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng
phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quan hệ quốc
tế ngày càng mở rộng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng
được đảm bảo tốt hơn. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 06 tôn giáo với
17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc,
thì năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26,7 triệu
tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v.
Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo đã thu hút hàng vạn tín đồ nhân dân tham
dự, nổi bật. Với quy mô hoạt động tôn giáo hàng vạn người, chính quyền các cấp
đã hỗ trợ các tôn giáo về các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh
trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm để nhân dân được tự do
hành lễ, thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh, v.v.
Công tác đào tạo chức sắc được
các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 06 cơ sở đào tạo tôn
giáo, đến năm 2021 đã tăng lên thành 63 cơ sở đào tạo, mỗi năm có hàng nghìn
người tốt nghiệp; ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước ngoài.
Nhờ vậy, số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu
hướng dẫn việc đạo cho tín đồ.
Việc in ấn, xuất bản, dịch
thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo được các tôn giáo đẩy mạnh
trong những năm qua. Theo báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt
Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III (năm 2019), cả nước
có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng
triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo;
phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.
Công tác xây dựng, sửa chữa,
chỉnh trang cơ sở thờ tự của các tôn giáo cũng được quan tâm đẩy mạnh trong
những năm qua. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hoạt động của
các tổ chức tôn giáo, chính quyền các địa phương đã quan tâm giải quyết, cấp
đất cho các tổ chức tôn giáo.
Có thể khẳng định rằng, đời
sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam những năm qua là rất đa dạng, sôi động và
phong phú. Những thực tiễn kể trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho
tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Những thành
tựu đó không chỉ nhân dân trong nước, trong đó có tín đồ các tôn giáo ghi nhận,
mà còn được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc Việt Nam lần thứ hai trở thành
thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu
ủng hộ của 145/189 nước đã một lần nữa khẳng định quyền con người nói chung,
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng được bảo
đảm tốt, không thể phủ nhận. Do vậy, những nhận định thiếu khách quan, không
đúng với thực tế tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sẽ không bao
giờ có giá trị, cần phải được vạch trần, phê phán, bác bỏ./.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét