Truyền thông xã hội (social
communication) là một loại hình truyền thông được thực hiện thông qua các
phương tiện truyền thông xã hội (social media). Các phương tiện truyền thông xã
hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian trực tuyến
(online space) trên nền tảng in-tơ-nét và các công nghệ truyền thông hiện đại
khác nhằm chuyển tải thông tin, kết nối mọi người ở mọi nơi có thể trao đổi với
nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện với sự chủ động của người dùng, hình
thành nên các mối quan hệ xã hội, cộng đồng tương tác xã hội đa dạng, có tác
động sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
và đời sống cá nhân của mỗi người dùng.
Các loại phương tiện truyền thông xã hội chủ yếu
gồm: mạng xã hội (social network); diễn đàn (forums); dịch vụ thoại, nhắn tin
trên nền in-tơ-nét (OTT); các tiểu blog (microblogging); trang chia sẻ link và
tin tức xã hội (social bookmarking and social news); trang chia sẻ hình ảnh,
video (social sharing),... Trong đó, mạng xã hội là phổ biến và có tác động lớn
nhất trong các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World
Stats, tính đến ngày 30-6-2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng
in-tơ-nét cao thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia,
vùng lãnh thổ khu vực châu Á(2). Tính đến tháng 1-2021, Việt Nam có
68,72 triệu người dùng in-tơ-nét, tương ứng với 70,3% dân số cả nước; 72 triệu
người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm 73,7% dân số; có tới
hơn 154,4 triệu thiết bị kết nối mạng dữ liệu di động, chiếm 157,9% dân số (có
nghĩa là mỗi người Việt Nam có thể sử dụng nhiều thiết bị kết nối mạng dữ liệu
di động để thực hiện công việc, giải trí,...). Hằng ngày, mỗi người Việt Nam
dành 6 giờ 47 phút để truy cập in-tơ-nét (gần tương đương với mức bình quân của
thế giới là 6 giờ 54 phút), trong đó, khoảng 2 giờ 21 phút sử dụng các phương
tiện truyền thông xã hội, gần tương đương với mức trung bình của thế giới (2
giờ 25 phút).
Tại Việt Nam, các phương tiện truyền thông xã hội
có số lượng người sử dụng lần lượt từ cao đến thấp là: Youtube - Facebook -
Zalo - Facebook Messenger - Instagram - Tiktok - Twitter - Skype - Pinterest -
Linkedln - Viber - Whatsapp - Wechat - Line - Twitch - Snapchat.
Việt Nam đã ban hành nhiều quy định
về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong bảo đảm an toàn thông tin trên
in-tơ-nét nói chung và truyền thông xã hội nói riêng, trong đó có Luật An ninh mạng 2018.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm
pháp luật trong việc sử dụng in-tơ-nét nói chung, truyền thông xã hội nói
riêng; chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa việc lợi dụng truyền thông xã hội gây
nguy hại đến an ninh, trật tự xã hộ
Thời gian qua, lợi dụng tâm lý đám
đông, tính tò mò của một bộ phận công chúng, một số đối tượng xấu đã sử dụng
thủ đoạn thêu dệt, vu khống, bịa đặt thông tin, cắt - ghép vi-đê-ô làm hình ảnh
minh họa để phao tin đồn thất thiệt, gây dư luận xã hội tiêu cực. Việc người
dùng các phương tiện truyền thông xã hội có thể dễ dàng và nhanh chóng đưa ra
những phát ngôn thiếu kiểm soát cũng có thể mang lại những hậu quả khôn lường.
Tác động xấu từ truyền thông xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức
thì, nhưng cũng có những hậu quả lâu dài, len lỏi, tích tụ vào ứng xử, lối
sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp. Những đổ
vỡ về giá trị, những tổn thương về tâm lý ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá nhân,
từ đó, tác động đến ổn định chính trị, xã hội của quốc gia. Bên cạnh đó, có một
vấn đề đáng quan tâm là, nhiều người dùng truyền thông xã hội hiện nay đang
nhầm lẫn ranh giới giữa phản biện cá nhân, nói ra chính kiến, quan điểm, sự góp
ý mang tính phản biện với việc đưa ra những bình luận, phát ngôn bôi nhọ, nói
xấu, tạo nên sự thù nghịch. Ngoài ra, không ít người còn lầm tưởng rằng, các
phương tiện truyền thông xã hội ở nước ngoài, như Facebook, Youtube,... không
chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam nên họ không bị cấm hay hạn chế,
không chịu trách nhiệm trong việc “tự do” đưa ra các phát ngôn, bình luận thiếu
suy nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét