Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC THẮNG LỢI CỦA VIỆC KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS


Nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023) của nước ta, các thế lực cơ hội, chống phá cách mạng đã đăng tải các bài viết, video clip… nhằm mục đích phủ nhận vai trò, ý nghĩa, thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam đồng thời xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Chúng cho rằng Hiệp định Paris được ký kết là do Mỹ “thay đổi chính sách”, “biến động chính trị”…, phủ nhận hoàn toàn vai trò chiến thắng của cách mạng Việt Nam trong Hiệp định Paris.

Hội nghị Paris có hai giai đoạn đàm phán. Giai đoạn 1 của cuộc đàm phán từ tháng 5/1968 đến tháng 10/1968 là cuộc đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ. Lập trường của hai bên Việt Nam và Mỹ ở giai đoạn này rất mâu thuẫn và xa cách nhau, làm cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn đàm phán tại hội nghị đến mức nhiều lúc gián đoạn thương lượng. Giai đoạn 2 của cuộc đàm phán diễn ra từ tháng 01/1969 đến tháng 01/1973 là giai đoạn họp 4 bên (mà thực chất là của hai bên: Việt Nam và Mỹ) và đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trước đó, với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định và có dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Với tinh thần bất khuất trong 12 ngày đêm đọ sức, quân - dân miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, đã bắn rơi 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, làm nên chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Thất bại ở chiến trường miền Nam, cộng với thất bại của lực lượng không quân chiến lược trên bầu trời Hà Nội buộc nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/01/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết là kết quả của quá trình đấu tranh của cách mạng Việt Nam suốt nhiều năm liền, trên nhiều phương diện như: Quân sự, chính trị, ngoại giao…, chứ không đơn thuần là do Mỹ “thay đổi chính sách”, “biến động chính trị” như các đối tượng chống phá rêu rao trong clip. Thắng lợi của Hiệp định Paris là một thắng lợi về mặt ngoại giao nhưng cũng là thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Nếu không từng có chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình. Trong đó, thắng lợi ở trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12/1972 đã bẻ gãy hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán cũng như chấp nhận các đề nghị của Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh quân sự vẫn là một mặt đấu tranh cơ bản và giữ vị trí ngày càng quan trọng. Việc kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, thì đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu trực tiếp quyết định trong tiến trình của cuộc kháng chiến. Đây là quy luật cơ bản trong chiến tranh nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Hiệp định Paris là minh chứng rõ nét của chân lý “phi nghĩa không thể thắng được chính nghĩa, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân yêu hòa bình trên khắp thế giới và là động lực để các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do.

Do đó chúng ta cần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nhằm vạch trần các âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét