Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

BÀI ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA TRANG FACEBOOK VIỆT TÂN VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

 

Nhiều năm qua, Tổ chức khủng bố Việt Tân đã luôn cố tình quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Mục đích của việc này không ngoài sự hạ bệ, phủ nhận những nỗ lực của nước ta trong xây dựng môi trường báo chí lành mạnh; từ đó, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Tổ chức khủng bố Việt Tân cho rằng, Việt Nam tiếp tục nằm trong những quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ” với mức xếp hạng 174/180 quốc gia được khảo sát. Đây không còn là vấn đề xa lạ, kể từ khi được thành lập cho đến nay, chúng luôn đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia không có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Việt Tân luôn tung hô, ca ngợi những người lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng đất nước ở Việt Nam... mà quên mất một điều rằng, không một quốc gia nào trên thế giới có được sự tự do báo chí tuyệt đối, mọi hoạt động báo chí đều nằm trong khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó.

Từ đó cho thấy, mục đích của việc luận điệu này không phải để giúp Việt Nam có được sự tự do báo chí, tiến tới sự phát triển, mà thực chất chỉ là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo tình hình báo chí ở Việt Nam; lấy đó làm cơ sở để công kích các vấn đề về nhân quyền, dân chủ, tự do vốn là một trong những chiêu bài mà các nước phương Tây luôn áp dụng để hạ bệ, chống đối nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền được “phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Điều cần lưu ý là các công ước quốc tế về quyền con người cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản, nhưng đó không phải là quyền tự do tuyệt đối mà phải có giới hạn nhất định và thực hiện quyền này ở mỗi quốc gia là khác nhau, tùy theo tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia đó.

Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí, Nhà nước luôn đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng việc thực hiện các quyền này phải được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật. Không một tổ chức hay cá nhân nào được phép lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm hại đến lợi ích quốc gia, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Đây là những quy định phù hợp với thực tiễn, hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Việt Nam hiện có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và khoảng 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Báo chí Việt Nam thực sự trở thành diễn đàn và công cụ để bảo vệ tự do và lợi ích của nhân dân. Mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... đều có quyền phát biểu, đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cấp chính quyền thông qua báo chí. Từ đó, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội; tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế. 

Việc Tổ chức khủng bố Việt Tân bất chấp thực tiễn để xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do ngôn luận, nhân quyền của Việt Nam suy cho cùng cũng vì mục đích chính trị, hòng biến báo chí trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho việc chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Tự do báo chí ở xã hội nào cũng chỉ mang tính tương đối, nó phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi thời kỳ và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tình hình tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam của Tổ chức khủng bố Việt Tân đã trở thành những luận điệu lạc lõng và không có căn cứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét