Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa
tín ngưỡng, tôn giáo. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào
các dân tộc, tôn giáo luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với “thiên tai, địch
họa”, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng
định vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo và công tác dân tộc, công tác tôn
giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt
chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp
cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xây dựng nguyên
tắc của chính sách dân tộc ở Việt Nam là: bình
đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Những nguyên tắc
này được quán triệt và thực hiện nhất quán, có hiệu quả trong mọi thời kỳ cách
mạng.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc,
công tác dân tộc, Đảng và Nhà nước ta cũng thường xuyên thực hiện có hiệu quả chính
sách tôn giáo và công tác tôn giáo. Tư tưởng nhất quán của Đảng ta là
tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân, hết sức chăm lo đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước,
nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng có nhiều đổi mới và phát
triển. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (khoá VII) về công tác tôn giáo khẳng định:
tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đảng và Nhà
nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn
giáo; kiên quyết khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng
bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và
đoàn kết dân tộc, chống phá CNXH, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân. Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) chỉ rõ: "Tín
ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn
tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn
giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Rõ ràng, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước
ta về dân tộc, tôn giáo là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Thế nhưng, hiện
nay các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo ở nước
ta, nhằm phục vụ cho âm mưu thâm độc của chúng. Họ dựng lên rằng, Đảng và Nhà
nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân
tộc”… Họ đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân
tộc”; kích động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị” ở khu vực Tây Bắc;
“nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên, với “Tin lành Đega” làm quốc đạo; thành
lập “Nhà nước Khmer Campuchia Krom” ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ… Thực chất,
đây là thủ đoạn nham hiểm, lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” để kích động,
chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
gây mất ổn định chính trị, xã hội… Nhưng những luận điệu đó không đánh lừa được
ai, bởi thực tế hoàn toàn bác bỏ điều đó.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc,
chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tới đây chúng ta cần thực hiện tốt
một số nội dung cơ bản sau:
Một là: đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống
chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí,
nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Hai là: làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ theo từng
vùng, từng dân tộc cụ thể; có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ công tác ở
vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn; xây dựng chính sách ưu đãi với những
người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng đội ngũ cán
bộ thôn (bản, phum, sóc) có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức,
hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước trên địa
bàn.
Ba là: các
ngành, các cấp cần rà soát, kịp thời bổ sung những chính sách đầu tư sát hợp đối
với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo; tổ chức thực hiện đồng
bộ, chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo các loại vốn đầu tư thực sự có hiệu
quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững,
hòa nhập với tiến trình đi lên của đất nước.
Bốn là: thực
hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận
an ninh nhân dân vững chắc; chủ động phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm
mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại sự nghiệp xây dựng
CNXH của nhân dân ta.
Năm là: làm
tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc,
đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo.
Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để
chống phá cách mạng, vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước.
Sáu là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại về
dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ chính sách dân tộc,
chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta và thực
tế tình hình cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét