Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ VỮNG MẠNH

                                                 

          Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của chế độ và đất nước, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình xây dựng và hoạt động của Đảng.

          Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng triệt để không gian mạng để ra sức chống phá, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Chúng cho rằng: Ở Việt Nam cán bộ suy thoái về tư tưởng, chính trị; cán bộ là quan của nhân dân hay tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ đúng trong điều kiện đất nước có chiến tranh...

          Thực tế sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nòng cốt để xây dựng các tổ chức cách mạng và phong trào cách mạng của quần chúng. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[2]. Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng Đảng vững mạnh phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

          Với Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn hàng đầu đối với người cán bộ là đạo đức cách mạng: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[3]. Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện chỗ: Luôn luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích của Đảng, của dân tộc; liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân; bằng lời nói và việc làm của mình làm cho dân tin, dân phục, dân yêu từ đó tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khiêm tốn, thật thà không chủ quan kiêu ngạo; chí công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không độc đoán cá nhân, tự cho phép mình đứng trên tổ chức, đứng ngoài kỷ luật; có lối sống trong sạch lành mạnh, không xa hoa, lãng phí, tham ô, hủ hoá, đặc quyền đặc lợi; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

         Cán bộ cần phải có đức, có tài, đức là gốc. Người cán bộ có đức mà không có tài chẳng khác nào ông bụt ngồi trong chùa, vô dụng không giúp được ai; có tài mà không có đức sẽ gây nguy hại cho cách mạng. Cái tài của người cán bộ là năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Hồ Chí Minh cho rằng cùng với những tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, người cán bộ cách mạng còn phải có phong cách công tác quần chúng, sâu sát, cụ thể thận trọng. Muốn vậy, phải chống thói ba hoa, quan liêu, chủ quan, hình thức, bệnh thành tích, làm việc theo lối bàn giấy ngồi một nơi tay chỉ năm ngón.

          Để xây dựng đội ngũ cán bộ, Người yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải làm tốt công tác cán bộ với một số tư tưởng cơ bản là: Phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, coi đó là công việc gốc của Đảng; phải hiểu biết và đánh giá đúng cán bộ; phải khéo dùng cán bộ; phải “có gan cất nhắc cán bộ”; phải yêu thương, chăm sóc bảo vệ cán bộ để cán bộ không ngừng trưởng thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét