Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

“LỖ MŨI 18 CÁI LÔNG” Đừng hòng xuyên tạc chính sách ngoại giao của Việt Nam!


Chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và thế giới. Lợi dụng sự kiện này, các đối tượng chống đối đã đẩy mạnh hoạt động chống phá, xuyên tạc chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Lợi dụng sự kiện chính trị, ngoại giao này, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã ra sức xuyên tạc, đưa ra nhiều thông tin lệch lạc, sai trái nhằm tấn công Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong đó, “Tiếng dân news” rêu rao cho rằng “chính sách ngoại giao của Việt Nam là chính sách “tầm gửi”, “ăn bám” vào thân cây khác để sống”, “ngoại giao cây tre của Việt Nam không có mục đích phục vụ cho lợi ích của đất nước và dân tộc mà chỉ nhằm phục vụ cho Đảng”… Từ đó, các đối tượng xuyên tạc chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, phủ nhận những thành quả đối ngoại mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đạt được. Đây là những thông tin hết sức độc hại, thể hiện rõ mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước.

Phải khẳng định rõ, ngay từ khi mới thành lập, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ý thức rất rõ ràng về sự tự lực, tự cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Quay ngược thời gian, năm 1949, cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc hoàn thành thắng lợi. Đây là một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại trên thế giới. Khi được nhà báo Harold Issacs hỏi về việc tình hình Trung Quốc sẽ có ích cho công cuộc độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn trả lời: “Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam”.

Từ chính cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã nhiều lần chỉ rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc. Bác khẳng định: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”, “Thực lực mạnh ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”…

Có thể thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước ta cũng khẳng định sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của đất nước. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có việc Đảng, Nhà nước Việt Nam “ăn bám”, lợi dụng, phụ thuộc vào nước khác để có thể phát triển.

Về chính sách “ngoại giao cây tre”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mô tả hết sức chi tiết. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!

Vì sao Việt Nam thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre”? Có phải chính sách này không có mục đích phục vụ lợi ích của đất nước và dân tộc mà chỉ nhằm phục vụ Đảng như những gì các “nhà dân chủ” đang rêu rao hay không? Xin thưa, mọi chính sách được Đảng, Nhà nước Việt Nam đưa ra đều nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các chính sách đối ngoại không phải bất biến, cố định mà có sự thay đổi phù hợp với thời đại. Nếu như năm 1953, chúng ta xác định “thế giới có hai phe: Phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo và Trung Quốc giúp sức. Đứng về phe này thì tranh được độc lập và tự do. Phe đế quốc do Mỹ cầm đầu. Đi theo phe này hại dân, mất nước. Ta phải cương quyết đứng về một phe, không thể đứng chông chênh giữa hai phe. Quyết không có con đường thứ ba (bài viết của Bác với bút danh Đ.X đăng trong mục “Thường thức chính trị” trên Báo Cứu quốc năm 1953), thì hiện nay, với sự mở rộng của toàn cầu hóa, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại… Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Đây chính là sự mềm dẻo, linh hoạt của “ngoại giao cây tre” mà Việt Nam đang thực hiện. Đích đến cuối cùng là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Với chính sách “ngoại giao cây tre”, chúng ta đã được gì? Xin trả lời, từ việc chỉ có quan hệ với 30 nước (năm 1986), đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước của Liên hợp quốc. Trong đó, nước ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước (có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội nước ta có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chỉ tính riêng trên lĩnh vực kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của nước ta tăng từ 162 tỷ USD năm 2015 lên 281,5 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân 11,7% giai đoạn 2016-2020, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Những luận điệu xuyên tạc chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, tấn công chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đều là những hoạt động chống phá đất nước, cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét