Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

NHỮNG NGƯỜI LÍNH THAM GIA CHỐNG DỊCH COVID-19

 

Mẹ ơi! Các chú bộ đội dễ thương cực kỳ

Nguyễn Xuân Quân và Nguyễn Văn Khang (lớp DH50A, hệ 3, Học viện Quân y) là hai trong số hàng nghìn chiến sĩ Học viện Quân y vào TP Hồ Chí Minh “chia lửa” ở tuyến đầu từ ngày 23-8. Họ là hai người bạn thân cùng lớp đại học, cùng đóng quân ở Trạm Y tế lưu động số 10, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Sau gần một tháng gắn bó, những ngày ở TP Hồ Chí Minh họ đã có những kỷ niệm, trải nghiệm thật đặc biệt. TP Hồ Chí Minh đang vào mùa mưa, những cơn mưa to kèm sấm chớp có thể bất ngờ đến vào bất cứ buổi nào trong ngày. Đi phát thuốc, khám bệnh trong những cơn mưa như trút nước, bị ướt như chuột lột, đây là những kỷ niệm đáng nhớ của các chú bộ đội. Chưa kể, lần đầu tiên đi vào những con hẻm nhỏ khám bệnh F0 nên chuyện đang tìm đường, bất thình lình bị chó đuổi vắt chân lên cổ mà chạy cũng là chuyện thường ngày...

Hai chiến sĩ tâm sự, trong quá trình chuyển bệnh nhân đi cấp cứu đã gặp không ít tình huống đáng nhớ: Chở những sản phụ công nhân tuần thứ 37, 38 đi bệnh viện, luôn phải lường trước tình huống có thể trở thành bà mụ bất đắc dĩ; chuyển bệnh nhân cấp cứu lúc nửa đêm về sáng. Rồi gặp F0 tuổi cao sức yếu là một cụ ông 71 tuổi, tai biến, nhiều bệnh nền kiên quyết không vào bệnh viện điều trị vì lý do: “Tôi sống ở đây 71 năm rồi, có gì chết ở đây, không đi đâu cả” thì các chú bộ đội còn phải vận dụng luôn cả công tác tư tưởng để thuyết phục bệnh nhân. Có khi công việc chuyển bệnh nhân nguy hiểm kéo dài hàng giờ vì những sự cố không thể có trong sách vở thế này.

Trước khi vào TP Hồ Chí Minh chiến đấu với đại dịch, cả Khang và Quân đều đã xung kích tại điểm nóng Bắc Giang nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ở TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cam go nhất, không chỉ lấy mẫu, các chiến sĩ quân y còn tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, hướng dẫn F0 tự cách ly tại nhà, chăm sóc bệnh nhân, chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện... Và khi mùa trung thu về, các chú bộ đội cùng tham gia phát quà trung thu cho các bé trong hẻm công nhân nghèo, chung cư, khu phố.

Công việc bận rộn, nhưng các chiến sĩ vẫn dành thời gian tham gia cùng một nhóm bạn tình nguyện trong chung cư làm bánh nướng tặng các em, hướng dẫn bé nhỏ làm lồng đèn. Sản phẩm những con mèo, con heo, lồng đèn từ tay các chú bộ đội, trong khi bố mẹ các cháu không thể ra đường mua bánh nướng, lồng đèn như mọi năm, khiến các bé rất bất ngờ, hào hứng đón nhận. “Xóm trọ chúng tôi rất cảm động vì nhờ có chú Quân, chú Khang mà trẻ em không mất Tết Trung thu. Năm nay dịch bệnh nên bố mẹ thất nghiệp, ở nhà, bình thường các con còn thiếu thốn, huống chi đêm rằm”, chị Quang, hẻm công nhân 216 Bùi Văn Ba, quận 7 tâm sự. Trong khi đó, mẹ Ruby Phạm ở chung cư Jamona Heights kể, bọn trẻ về cười nói vui vẻ khoe: “Mẹ ơi, các chú bộ đội dễ thương cực kỳ luôn”, sau khi nhận được bánh, lồng đèn, tập vở từ tay các chú bộ đội.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Khang còn có anh ruột là Nguyễn Văn Khương, đang đóng quân ở Hóc Môn, là sinh viên năm thứ 6, Học viện Quân y, tình nguyện tham gia vào miền Nam chống dịch. Nguyễn Văn Khang chia sẻ: “Từ ngày cùng đồng đội vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, hai anh em chưa một lần gặp nhau. Anh em liên lạc qua mạng xã hội, cùng động viên nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với chiến sĩ quân y, xung kích vào những nơi gian khó, nguy hiểm, nơi nhiều bệnh nhân, người dân cần đến sự có mặt của mình, là một hạnh phúc lớn lao”.

Đây là lần đầu tiên các chiến sĩ trẻ đến TP Hồ Chí Minh. Lịch trình di chuyển của họ chủ yếu là từ Trạm Y tế lưu động đến những nhà có F0, đến bệnh viện khi cần chuyển bệnh. Các má, các chị, mọi người ở khu chung cư nơi họ đóng quân thương quý những chiến sĩ, đã tranh thủ giờ nghỉ trưa sau khi đi phát thuốc, trong những ngày dịch bớt căng thẳng để đưa họ đến vài điểm đáng nhớ: Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện Thành phố, Tượng đài Bác Hồ, Bến Nhà Rồng… chụp tặng các chiến sĩ trẻ vài khoảnh khắc kỷ niệm.

Kỷ niệm về một mùa trung thu trong dịch bệnh, về những ngày bám dân, giúp dân trong tâm dịch, hẳn sẽ là hành trang vô cùng đáng nhớ trong đời quân ngũ, đời thầy thuốc của các chiến sĩ trẻ đáng yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét