Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Cách mạng Tháng Tám và ý nghĩa của độc lập, tự do

 


 

Đầu tiên cần phải khẳng định, thắng lợi của CMT8 năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc ta, đất nước ta. Thắng lợi này đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có trên bản đồ thế giới, với tư cách và vị thế của một quốc gia-dân tộc độc lập, có chủ quyền

Thực tế là Việt Nam giành chính quyền từ tay phát xít Nhật chứ không phải từ thực dân Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nêu rõ rằng, thực dân Pháp “đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Đó là "mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương... thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật". Rồi ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đã đảo chính, hất cẳng thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam mà toàn cõi Đông Dương. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Sau đó, phát xít Nhật đã dựng lên một chính phủ bù nhìn do Trần Trọng Kim đứng đầu. Chính phủ này chỉ tồn tại trên giấy, không làm gì và cũng không thể làm gì. Mọi quyền hành đều trong tay phát xít Nhật.

Như thế, câu chuyện thực dân Pháp trả độc lập, tự do cho Việt Nam là điều hoàn toàn nực cười cả về pháp lý, đạo lý và thực tế lịch sử. Vì người ta không thể “cho” hay “trả” cái mà người ta không có.

Ấy thế mà ngày nay, vẫn có những kẻ muốn lừa bịp giới trẻ, vẽ ra ảo tưởng thực dân, đế quốc tốt bụng, sẽ trao trả độc lập, tự do cho dân tộc ta, đem lại sung sướng, hạnh phúc cho nhân dân ta và chúng ta chẳng cần phải làm gì, chỉ trông chờ vào sự tốt bụng đó.

Nguy hiểm hơn, có những người mang dòng máu Việt Nam lại gieo rắc luận điệu cho rằng, nước ta chẳng cần độc lập để làm gì, mà cứ giữ là thuộc địa của Pháp có khi lại phát triển hơn, đời sống người dân sung sướng hơn. Luận điệu ấy chắc chắn chỉ có trong đầu óc của những kẻ thiếu tử tế và thiếu nhân cách. Suy nghĩ ấy là của những kẻ luôn muốn ăn bám và tư duy lệ thuộc. Đó là những kẻ không xứng đáng đứng trước tổ tiên để nhận mình là con cháu Việt Nam. Lịch sử oanh liệt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy ý thức, khát vọng độc lập, tự chủ đã ăn sâu vào máu của mỗi người Việt Nam. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh chứ quyết không chịu đặt dưới ách cai trị của dân tộc khác. Dân tộc Việt Nam cũng không chịu để kẻ thù cướp đi bất cứ tấc đất nào của cha ông để lại.

Khi đọc những lời lẽ hùng hồn trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ dừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Và cả triệu người đồng thanh đáp lại vang dội: “Có!”. Trong giờ phút ấy, chắc hẳn từ vị Chủ tịch nước cho tới từng người dân đều xúc động nghẹn ngào, nhiều giọt nước mắt đã rơi...

Đã gần 75 năm kể từ ngày lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng trên Quảng trường Ba Đình. Việt Nam của chúng ta ngày nay đã rất khác xưa, đã là một đất nước độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc và đang ngày càng phát triển. Với vị thế quốc gia của mình, Việt Nam có tiếng nói ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế, được bạn bè quốc tế lắng nghe, tin tưởng và nể trọng. Tất cả thực tế đó đã chứng minh những luận điệu xuyên tạc về CMT8 là hoàn toàn sai trái, không thể có chỗ đứng trong lòng những người Việt Nam chân chính và nhân loại có lương tri.   

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét