Những ngày vừa qua, việc cơ quan pháp luật Việt Nam khởi tố,
bắt giam hàng loạt cán bộ (trong đó có cả cán bộ cấp cao) được dư luận hết sức
quan tâm. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, cho rằng đó
là những việc làm cần thiết để giữ gìn kỷ cương, phép nước, tiếp tục chỉnh đốn,
làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Trong khi đó, nhân những sự việc này, nhiều đối tượng cơ hội
chính trị, phản động lại “chọc gậy bánh xe”, “đục nước béo cò”, đưa ra những
quan điểm lệch lạc... nhất là sau khi cơ quan pháp luật nước ta tiến hành khởi
tố, bắt tạm giam các ông: Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh Mạnh
Thắng... hàng loạt tờ báo và trang mạng nước ngoài đã đăng nhiều bài viết với những
lập luận hết sức cực đoan, theo kiểu “chọc gậy bánh xe”.
Đài Á châu Tự do, như thường lệ lại tiếp tục
tung ra luận điệu, sự việc “chưa phải hồi kết”. Họ cho rằng việc làm đó của
Đảng, Nhà nước ta không phải là chống tham nhũng mà là cuộc đấu đá trong nội bộ
Đảng; rồi từ đó đồn đoán sẽ có những nhân vật nào tiếp tục bị bắt. Thậm chí,
lợi dụng sự việc này, họ dựng lên cái gọi là “cuộc chiến sinh tử” của cá nhân
lãnh đạo Đảng, Nhà nước để “giữ thể diện” mà thôi…
Từ câu chuyện chống tham nhũng, họ lái vấn đề sang chuyện
thay đổi chế độ. Họ đồn đoán đây là cuộc chiến không khoan nhượng nhưng không
phải là cuộc chiến chống tham nhũng, là “tranh giành phe phái”. Họ còn đơm
đặt rằng, công luận cũng sẽ chỉ một hướng tấn công những người vi phạm pháp
luật bị bắt; còn Đảng không có tính nhân văn, sẽ tìm mọi cách quy kết thật
nhanh. Từ đó, họ cố tình xuyên tạc cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận,
rằng có một “bi kịch” tiềm ẩn rủi ro chung cho tất cả mọi người là “đều có thể
là nạn nhân của một nền pháp quyền què quặt”... Họ kêu gọi mọi người hãy sớm
đến với dân chủ nhân quyền, đừng “đợi tới lúc trở thành nạn nhân mới bắt
đầu nghĩ tới quyền của mình”.
Trên thực tế, trước các sự việc trên, nhiều cán bộ, đảng
viên và nhân dân rất quan tâm nhưng cũng coi đó là những bài học đau xót. Những
việc làm trên là cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, để không ngừng làm
trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước ta. Điều đó là nhất quán trong quan điểm
của Đảng cũng như theo tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn toàn không có chuyện thanh
trừng, đấu đá nội bộ.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến còn đầy gian khổ, thù
trong giặc ngoài, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết chống tham ô,
tiêu cực với tinh thần, dù đau đớn nhưng vẫn phải chặt cành để cứu cây, “Một
cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”, “Thà
chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”...
Phải xem xét, xử lý kỷ luật và truy tố trước pháp luật bất
kỳ cán bộ, đảng viên nào là điều không ai mong muốn. Càng đau xót và đáng tiếc
hơn khi đó là những đồng chí cán bộ cấp cao, từng kinh qua rèn luyện, trưởng
thành và có đóng góp nhất định với đất nước. Nhưng Đảng ta là đảng cầm quyền,
ngoài phấn đấu, làm việc vì lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào
khác. Và để xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng phải không ngừng tự
chỉnh đốn. Chúng ta cần ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công
tác xây dựng Đảng: “... Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng
hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì
đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi
cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân
chính”.
Đảng ta luôn khẳng định, mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng
trước pháp luật. Hơn thế, đảng viên vi phạm ngoài bị xử lý theo đúng pháp luật
còn phải bị xử lý theo đúng kỷ luật Đảng một cách tự giác, nghiêm minh. Thậm
chí, ở một khía cạnh nào đó phải được xử lý nghiêm minh hơn, có như vậy, mới
xây dựng được xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật, mới tạo được sự đoàn
kết, thống nhất trong Đảng và niềm tin trong nhân dân về một Đảng “mạnh dạn,
tiến bộ, chân chính”. Nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được ghi rõ
trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành gần đây đã nêu rõ:
“Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương
vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật
nghiêm minh, kịp thời”.
Rồi đây, sự việc những cán bộ vi phạm sẽ tiếp tục được điều
tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Qua mỗi sự việc được làm
sáng tỏ, sẽ rõ hơn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và cũng là dịp để
chúng ta “tự soi, tự sửa”, là dịp để củng cố, không để còn những lỗ hổng pháp
lý, lỗ hổng trách nhiệm và cả “lỗ hổng lương tâm”, giúp bộ máy Nhà nước của chúng
ta ngày càng hoàn thiện hơn, Đảng ta thực sự trong sạch, là đạo đức, là văn
minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét