Đến nay, nhiều người vẫn có nhiều quan
niệm ngộ nhận hoặc định kiến về kinh tế kế hoạch hoá tập trung mà các nước XHCN
đã áp dụng trước đây và Việt Nam đã học tập mô hình này nhưng thất bại, phải
chuyển qua kinh tế thị trường. Những quan niệm sai lầm tập trung ở những điểm
sau:
1.
Đồng nhất giữa “kế hoạch hoá tập trung” với “bao cấp”
Đây là một nhận thức sai lầm khá phổ
biến. Thực ra, kế hoạch hoá tập trung là một mô hình kinh tế, nhìn ở góc độ
kinh tế vĩ mô hay nói đúng hơn là kinh tế - chính trị, được các nước XHCN xây
dựng và áp dụng nhằm tạo ra một quan hệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và ưu việt
hơn so với mô hình kinh tế thị trường tồn tại trước đó, đã được các nước phong
kiến, tư bản chủ nghĩa áp dụng. Bao cấp là khái niệm để chỉ một khía cạnh, một
khâu trong tổng thể mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, đó là khâu phân
phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, do khâu phân phối này trực
tiếp ảnh hưởng tới đời sống người dân và bộc lộ rõ nét nhất sai lầm của toàn bộ
hệ thống nên người ta nhắc đến nó nhiều nhất, dẫn đến sự ngộ nhận và hiểu sai
về toàn bộ hệ thống kinh tế của các nước XHCN.
2.
Kinh tế kế hoạch hoá tập trung là sai lầm và thất bại?
Đây là một sai lầm lớn trong nhận thức,
do đa số chúng ta, những người sinh ra và lớn lên khi kinh tế các nước XHCN lâm
vào khủng hoảng và dẫn tới sụp đổ hệ thống XHCN nên ít ai để ý tới trước đó,
nền kinh tế này đã đem đến những thành tựu nổi bật, đưa Liên Xô từ một nước lạc
hậu, kinh tế ở mức trung bình khá lên vị thế siêu cường thế giới, nhiều lĩnh
vực vượt qua Tây Âu, đưa các nước Đông Âu đa số ở mức trung bình thấp vượt lên
cạnh tranh ngang ngửa với Tây Âu, giúp Trung Quốc từ một nước nghèo nàn, lạc
hậu vào loại nhất thế giới lên chiếm lĩnh những ngành công nghiệp vào loại
trung bình khá trước khi tạo ra cú sốc tăng trưởng kinh tế với tốc độ hàng đầu
thế giới, giúp Miền Bắc Việt Nam san bằng khoảng cách với Miền Nam Việt Nam sau
gần 20 năm dù trước đó (1956) GDP chỉ bằng 1/5. Giúp Bắc Triều Tiên phát triển
vượt trội so với Nam Triều Tiên tính đến hết thập niên 1970, thậm chí họ còn có
tham vọng đuổi kịp Nhật Bản...
Sai lầm chỉ bắt đầu khi Liên Xô, Đông Âu
đẩy mạnh cải tạo công thương nghiệp, xoá bỏ hoàn toàn kinh tế thị trường và áp
dụng triệt để kế hoạch hoá tập trung, nhất là trong khâu phân phối. Điều này
khiến người lao động mất dần động lực do quan niệm “cào bằng” trong phân phối
thu nhập không khuyến khích được sức lao động, sáng tạo trong ứng dụng các
thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chậm đổi mới và cải tiến kỹ thuật...
Bên cạnh những sai lầm chủ quan nêu trên, việc thế giới bị phân chia thành 2
phe đối lập, gần như không giao thương với nhau cũng khiến kinh tế các nước
XHCN bị thu hẹp thị trường, khiến nền kinh tế dầb trì trệ, lạc hậu, thụt lùi và
cuối cùng là hụt hơi trong cạnh tranh với các nước tư bản.
Như vậy, khi nghiên cứu và đánh giá về
kinh tế kế hoạch hoá tập trung, cần phải có cái nhìn khách quan, biện chứng,
nhất là biện chúng lịch sử để thấy được cái hay, cái đúng, cái sai lầm và tồn
tại để từ đó có sự lựa chọn, sàng lọc, rút kinh nghiệm chứ không thể phủ nhận
sạch trơn vì một số sai lầm trong quá khứ.
3.
Chỉ những nước tuyên bố là XHCN hoặc Dân chủ nhân dân mới áp dụng kinh tế tập
trung?
Đây là một suy nghĩ rất cảm tính và mang
nhiều định kiến. Thực tế, Liên Xô, Đông Âu và một số nước tuyên bố XHCN thì
luôn đề cao kinh tế kế hoạch hoá tập trung, luôn thổi phồng nó lên và nhiều
trường hợp tuyên truyền thái quá dẫn đến những ngộ nhận và mặc cảm khi đối mặt
với thất bại. Ngay từ thời “đấu tranh hệ tư tưởng”, nhiều nước không tuyên bố
theo XHCN cũng áp dụng một phần kinh tế kế hoạch hoá tập trung như các nước Bắc
Âu, điển hình là Thuỵ Điển và Đan Mạch, các nước thuộc phong trào cánh tả ở Mỹ
Latin, và một các nước khác như: Ấn Độ, Mianma, Singapore... Sự thành công của
các nền kinh tế này là rất khác nhau, có những nước đạt thành tựu hết sức to
lớn và vẫn đang duy trì đến tận ngày nay như Israel, Singapore, Thuỵ Điển, Đan
Mạch...
4.
Thành công lớn từ việc kết hợp giữa kinh tế kế hoạch hoá tập trung và kinh tế
thị trường!
Thực tế không thể phủ nhận là đa số các
nước áp dụng mô hình có sự pha trộn, kết hợp giữa kinh tế tập trung và kinh tế
thị trường có sự định hướng, quản lý của nhà nước thì đều gặt hái thành công. Có
thể kể đến các nước Bắc Âu, một số nước Tây Âu, điển hình là CHLB Đức và các
nước như Israel, Singapore... Bên cạnh đó, giai đoạn đầu của các nước XHCN
trước đây cũng ghi nhận những thành công vượt bậc khi họ vẫn còn giữ nhiều phần
của kinh tế thị trường. Thậm chí hiện nay, những nước XHCN nhưng chuyển đổi mô
hình sang kinh tế thị trường, có sự quản lý và điều tiết của nhà nước cũng đang
rất thành công, điển hình như Việt Nam và Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao,
thời gian tăng trưởng liên tục.Từ những kinh nghiệm thực tế và bài học được rút
ra, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tự tin và quyết tâm cao hơn trong việc xây
dựng nền kinh tế thị trường có sự điều tiết và định hướng của nhà nước.
Nên nhớ rằng, không một học thuyết nào
hoàn toàn đúng mà không có những sai lầm, vấp váp và “độ vênh” so với thực tế.
Ngay cả lý thuyết kinh tế được coi là “khuôn vàng, thước ngọc” đối với các nền
kinh tế TBCN vẫn phải có nhiều điều chỉnh, sửa đổi liên tục, như thuyết trọng
thương, từ hạn chế nhập khẩu sau đổi thành khuyến khích xuất khẩu hoặc các học
thuyết “bàn tay vô hình”, “bàn tay hữu hình”...
Vậy thì, việc các nước đã từng áp dụng
thất bại mô hình “kinh tế kế hoạch hoá tập trung”, nay sửa thành “kinh tế thị
trường có sự điều tiết của nhà nước” thì có gì là sai? Sai chỗ nào? Quan trọng
nhất là hiệu quả. Miễn là kinh tế tăng trưởng nhanh, liên tục và bền vững như
ngày nay tại Việt Nam thì vẫn sẽ được người dân ủng hộ và tích cực hưởng ứng.
Qua đó, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Đất nước, góp phần
giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống và chất lượng cuộc sống của người
dân, nâng cao vị thế Đất nước trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét