Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

NHỮNG THẦY GIÁO QUÂN HÀM XANH, XỨNG DANH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”


Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, Hồ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đánh giá cao vai trò to lớn, nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo. Theo Người: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là những người vẻ vang nhất… là những người anh hùng vô danh”. Người yêu cầu: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc”, nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, dù thời chiến hay thời bình, Đảng, Nhà nước ta luôn có các chủ trương, chính sách, biện pháp xây dựng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cùng với sự hỗ trợ to lớn đó, ngành giáo dục và đào tạo và các thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực cố gắng thực hiện sự nghiệp trồng người. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên nước nhà không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.

Trong thành tích chung trên đây, có sự đóng góp tích cực của các thầy giáo, cô giáo Quân đội nhân dân Việt Nam. Các nhà trường quân đội với đội ngũ giáo viên vừa hồng, vừa chuyên, không ngừng rèn luyện phấn đấu cho sự nghiệp dạy chữ, trồng người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cha thân yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn chú trọng đến việc dạy chữ, học chữ của quân đội. Người yêu cầu Quân đội phải thực hiện tốt việc dạy chữ ngay trong nội bộ, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn khi Quân đội mới ra đời và kháng chiến chống xâm lược, có những chiến sĩ chưa biết chữ. Ngày 20-3-1947, khi nói về Đời sống mới, Hồ Chủ tịch chỉ ra rằng: “Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới. Một là kỷ luật cực kỳ nghiêm. Hai là siêng tập luyện. Ba là làm cho trong bộ đội ai cũng biết chữ”. Người còn hướng dẫn rất cụ thể: “Trong các bộ đội ta, ít nhất là một phần nửa binh sĩ đã biết chữ. Những người chỉ huy phải tổ chức cho khéo, ngoài những lớp học, giao cho mỗi một người biết chữ phụ trách dạy cho một hay vài người chưa biết, thì trong vài ba tháng, tất cả binh sĩ đều biết chữ”.

Hồ Chủ tịch cũng thường xuyên nhắc nhở bộ đội phải làm công tác dân vận tốt, trong đó có nội dung dạy chữ cho nhân dân. Người căn dặn: bộ đội của dân, đóng quân ở đâu cũng phải gần dân, giúp dân, tích cực cùng dân thực hiện bình dân học vụ, học chữ để chiến thắng giặc dốt… Người nêu rõ ý nghĩa thiết thực của việc Quân đội tham gia dạy chữ, diệt giặc dốt, coi đó như là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần chiến thắng kẻ thù. Trong Thư gửi toàn thể bộ đội Khu II và Khu III, ngày 24-2-1948, Hồ Chủ tịch viết: “Bộ đội ta tiêu diệt được giặc dốt, tức là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân”.

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, Quân đội đã thực hiện tốt tư tưởng, lời dạy trên của Hồ Chủ tịch, chủ động, tích cực giúp đồng đội và giúp dân học chữ. Các thầy giáo “Bộ đội Cụ Hồ” đã thật sự là những người thầy mang màu áo chiến sĩ tham gia vào sự nghiệp dạy học. Với phong trào tự dạy, tự học lẫn nhau, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ khi mới tham gia Quân đội, không biết chữ nhưng rồi nhờ học và tự học trong môi trường Quân đội mà đã trở thành những cán bộ có trình độ học lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Bộ đội cũng góp phần quan trọng hỗ trợ nhân dân các địa phương chiến thắng “giặc dốt”, thoát nghèo nàn, lạc hậu…

Đặc biệt, đội ngũ thầy giáo quân hàm xanh đã thiết thực đóng góp vào việc giáo dục, đem cái chữ đến với đồng bào nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình, các mô hình, như: “Chia sẻ cùng thầy cô”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Lớp học tình thương”… đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng - Những thầy giáo quân hàm xanh tham gia tích cực, hiệu quả, được dư luận khen ngợi, đánh giá cao. Từ những năm trước đây, các buổi gặp mặt biểu dương những tấm gương tiêu biểu là thầy giáo quân hàm xanh đã được tổ chức rất trọng thể, chu đáo. Tại Buổi gặp mặt biểu dương 60 thầy giáo quân hàm xanh vào năm 2017, khi đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã biểu dương: “Đó là những tấm gương sáng, là minh chứng cho câu nói “tình quân dân như cá với nước”. Các đồng chí không chỉ là người lính bảo vệ biên cương mà còn là người thầy vun trồng cho thế hệ tương lai của đất nước. Việc làm của các đồng chí hết sức cảm động, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc… nói lên bản chất cao đẹp của Bộ đội Biên phòng, góp phần làm nâng cao uy tín của cán bộ, chiến sĩ với bà con nhân dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo”.

Thực tế cho thấy những đóng góp của các thầy giáo quân hàm xanh đem lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt. Dư luận nhân dân, chính quyền địa phương cũng như cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng có chung đánh giá: hoạt động của các thầy giáo quân hàm xanh vừa giúp cho người dân nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có thêm kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng sống; đồng thời, lại vừa giúp cho lực lượng Bộ đội Biên phòng có thêm điều kiện, cơ sở thuận lợi để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tinh thần cảnh giác chống lại âm mưu lôi kéo của kẻ xấu… Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp quân dân cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Những đóng góp đó đã và đang cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dệt nên ước mơ mà cả dân tộc ta đang hướng đến: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét