Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN PHỦ NHẬN ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

 

Hiện nay, lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương cải cách, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo, các thế lực thù địch, phản động và chống đối thường xuyên đưa ra các quan điểm sai trái, xuyên tạc và phủ nhận về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh các tài liệu, văn bản phát tán trái phép, họ đã tận dụng triệt để sự phát triển của công nghệ số mà điển hình là dùng Internet để chống phá. Thông qua một số website, các mạng xã hội, các ứng dụng (app) chạy trên nền tảng điện thoại thông minh…, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc, bóp méo về đường lối, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Có thể nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái xuyên tạc và phủ nhận về đường lối, chính sách phát triển giáo dục qua các nhóm vấn đề sau:

Một là, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Một số yếu kém trong giáo dục và đào tạo được họ khai thác triệt để, cho rằng đó là do lỗi của sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Ở đây họ chỉ nhìn thấy lỗi, thấy khuyết điểm mà không hề thấy những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được, những thành quả đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Mặt khác, họ còn xuyên tạc là do thể chế chính trị tác động, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và họ đòi bỏ phần giáo dục lý luận chính trị. Cá biệt có trường hợp lợi dụng vài ba vụ việc đơn lẻ xảy ra trong hoạt động giáo dục để xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Ví như họ coi ngành giáo dục là “ngành ăn mày xã hội”, viễn cảnh giáo dục Việt Nam như một bức màn “màu đen xám xịt”, đó là “nền giáo dục ngu dân do độc đảng cai trị”. Thực chất của khuynh hướng này là phi chính trị hóa giáo dục dẫn đến xóa bỏ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng về giáo dục và cuối cùng làm chệch hướng mục tiêu lý tưởng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, bất cứ nền giáo dục nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu đào tạo ra những thế hệ nguồn nhân lực có lý tưởng, biết vì dân tộc, vì quốc gia mình trên cơ sở nắm vững tri thức khoa học của nhân loại. Ở nước ta, trong thời gian vừa qua, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến, học trên truyền hình trên diện rộng, trong thời gian dài. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Nhà nước, giáo dục nước ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: hoàn thành và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trọng tâm là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên; tự chủ đại học được đẩy mạnh, thứ hạng đại học Việt Nam tăng cao; tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ, ngành Giáo dục có 2 dự án luật được Quốc hội thông qua là Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 và Luật Giáo dục 2019. Toàn ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63 tỉnh/thành phố); duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

Hai là, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong giáo dục, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà, cũng là giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Chúng thổi phồng một số hạn chế của nền giáo dục nước ta hiện nay như: chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; tình trạng thiếu thốn lạc hậu cơ sở vật chất thiết bị trường học; hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng bạo lực học đường, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên vẫn còn tồn tại ở các cấp học, bậc học... Trong khi nhiều cơ quan báo chí, nhiều luật sư, nhiều nhà giáo lên tiếng kịp thời, phân tích thấu đáo, bình luận có lý, có tình nhằm giúp công luận có một cái nhìn đúng đắn, khách quan về vụ việc, thì đáng tiếc vẫn có những ý kiến nhìn nhận vấn đề mang nặng tính áp đặt chủ quan, thiếu thiện chí, thiếu nhân văn, thậm chí đánh đồng hiện tượng với bản chất theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, từ đó có những liên tưởng, suy diễn không đúng mực về nhà giáo, về ngành giáo dục Việt Nam. Hiện nay, cả hệ thống chính trị cũng như ngành giáo dục đang đổi mới tự làm lành mạnh, trong sạch bên trong; quá trình này tất yếu phải loại bỏ những yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển, đương nhiên những cái đó cần được lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc lên án này không được quy chụp cho cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục, không được xuyên tạc từ một vài hiện tượng để đi đến kết luận bản chất. Hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có ở mọi quốc gia, mọi nền giáo dục, ngay ở các nước phương Tây và Mỹ cũng không tránh được những hiện tượng này. Việc vi phạm pháp luật trong tuyển sinh ở một số địa phương vừa qua tại các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đã có pháp luật giải quyết, không được nhân đó bôi nhọ thanh danh của một số đồng chí lãnh đạo, vơ thêm các địa phương khác đang rất nghiêm túc, rất minh bạch trong công tác này. Thực tế cho thấy, sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Vai trò, vị trí các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dậy theo hướng tích cực cũng được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh… Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế các khuyết tật của cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục và đào tạo. Một trong những thành tựu lớn nhất trong hơn 30 năm đổi mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về lượng và chất. Chúng ta không chỉ hoàn thành mục tiêu đưa hầu hết trẻ em đúng độ tuổi được đến trường học tập và đến nay cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở ở khắp các địa phương trong cả nước, mà chất lượng giáo dục cũng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực ở tất cả đối tượng học sinh và các cấp học, bậc học. Điều này được bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhìn nhận trong chuyến thăm Việt Nam vào dịp tháng 8-2017: “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”.

Ba là, sùng ngoại, bài nội trong vấn đề giáo dục, một số người chưa biết giáo dục các nước như thế nào, nhưng lại nức tiếng khen họ và chê bai nền giáo dục nước nhà. Một số khác cố gắng dành dụm để cho con mình ra nước ngoài học bằng được để mong con mình hơn con người; cứ tưởng học được như vậy là tài và nói xấu, chê bai giáo dục nước nhà, cho là lạc hậu, yếu kém; học xong không trở về quê hương để phục vụ, đóng góp sáng kiến cho dân tộc phát triển. Giáo dục nước ngoài mặt này, mặt khác tiến bộ khi chúng ta nhìn vào, nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong điều kiện cụ thể của nước ta, cho nên chúng ta chỉ có thể tham khảo, tiếp thu những điểm, những cách làm xét thấy phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta không đóng cửa mà sẳn sàng giao lưu với các nền giáo dục khác, nhưng cũng không thái quá trong vấn đề mở cửa giáo dục. Trên thực tế cho thấy, các quốc gia đều luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống của nền giáo dục nước mình. Ở Trung Quốc, Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc Yuan Guiren nhận định các trường đại học cần tăng cường quản lý về hệ tư tưởng, đặc biệt trong sách giáo khoa, tư liệu giảng dạy và các giờ giảng. Ông khẳng định giảng đường đại học sẽ không được phép có chỗ cho “những bình luận phê phán sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”,“chỉ trích chủ nghĩa xã hội” hay vi phạm hiến pháp pháp luật Trung Quốc và những tài liệu “cổ súy cho các giá trị phương Tây”

Bốn là, ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây và Mỹ coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước”. Nguy hiểm hơn, họ còn đòi loại bỏ các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi chương trình đào tạo; giảng viên, sinh viên phải được tự do về tư tưởng, không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào bất cứ hệ tư tưởng nào. Như chúng ta đã biết, một trong những mục tiêu của nền giáo dục nước nhà là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức trong mục tiêu của nền giáo dục nước nhà được khẳng định và xác định khá chi tiết ở mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam trong thời đại mới. Những phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức trên đây do toàn bộ quá trình giáo dục tạo nên. V.I.Lênin đã từng cảnh báo những người cộng sản trong tác phẩm Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên như sau: “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần thấm nhuần những khẩu hiệu cộng sản, những kết luận của khoa học cộng sản, chứ không cần thấm nhuần tổng số những kiến thức mà chính bản thân chủ nghĩa cộng sản cũng là kết quả. Chủ nghĩa Mác là một thí dụ chỉ rõ rằng chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh như thế nào từ tổng số tri thức của nhân loại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét