Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

PHÒNG CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” Phê phán hiện tượng “3 không”trong một bộ phận cán bộ đảng viên






Vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có một vị trí rất quan trọng. Trong kháng chiến, trước những tình thế khó khăn đòi hỏi cả sự hy sinh xương máu, ý chí cách mạng, tinh thần trách nhiệm, ý chí, bản lĩnh của người cộng sản không bao giờ lung lay. Trong hòa bình, những lúc gian khó, phức tạp, trước những vấn đề nhạy cảm của đất nước, đại đa số cán bộ, đảng viên đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm, tính tiền phong gương mẫu... Nhưng thực tế cũng cho thấy, trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, nhất là trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ở những thời điểm khó khăn của đất nước, vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận đảng viên không phải không có vấn đề.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên đối với sự nghiệp cách mạng, trong gần 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng phát huy vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các đảng bộ, chi bộ đã có nhiều chủ trương, biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu để đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mặc dù số lượng đảng viên chưa nhiều nhưng do phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của các đảng viên nên Đảng ta đã đoàn kết, động viên, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Sau giải phóng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhờ phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN....
Những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng ấy không ai có thể phủ nhận. Nhưng bên cạnh đó một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Ngoài “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, …như Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã đánh giá; còn hiện tượng “3 không” trong một bộ phận cán bộ đảng viên: “Không nói”, “Không nghe”, “Không làm” biểu hiện ở tính chất, mức độ khác nhau, cụ thể:
“Không nói”, biểu hiện ở 2 khía cạnh:Không biết nên không có gì để nói (1). Đây là sự thiếu hiểu biết, yếu kém về trình độ, năng lực về lĩnh vực nào đó của số ít cán bộ, đảng viên- Biểu hiện của lười học tập lý luận, ngại rèn luyện.
Biết ít hoặc biết mười mươi nhưng vì e rè, nể nang hoặc sợ bị trù dập mà không dám nói (2)- Biểu hiện của thiếu trách nhiệm hoặc vì lợi ích cá nhân mà thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
“Không nghe”: Nghĩa làTrên bảo dưới không nghe”. Mức độ nhẹ thì “trên” nói cứ nói “dưới” làm việc riêng cứ làm (điện thoại, lướt weds, chuyện phiếm..). Mức độ nặng là chống mệnh lệnh hoặc “phá ngang”. Cũng có trường hợp cấp dưới nói, hiến kế, cấp trên không lắng nghe, hoặc nghe xong để đấy không phúc đáp triệt để dẫn đến cấp dưới cũng không muốn nói.
Không làm”: Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.Đây cũng chính là một biểu hiện suy thoái về chính trị.
Như vậy hiện tượng “3 không”: “Không nói”, “Không nghe”, “Không làm”có mối quan hệ chặt chẽ với nhau –là những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng đảng cần phải phê phán đấu tranh, khắc phục.
Nguyên nhân xét đến cùng là do một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, thiếu trách nhiệm, có tư tưởng vì lợi ích cá nhân, viphạm nguyên tắc:Nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình.
Để đấu tranh khắc phục hiện tượng này đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nội dung, biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó người đứng đầu, bí thư cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là nòng cốt.
Trước hết cần tăng cường giáo dục, nâng cao trách nhiệm, tính gương mẫu  cho cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ; về mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt tập trung và dân chủ.
Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, là thành quả của cách mạng, là làm cho mọi người mạnh dạn có ý kiến, làm cho Đảng tập trung được trí tuệ, tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề,mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là 1 quyền lợi cũng là 1 nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Phải chú ý thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng . Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình, vì nếu không có dân chủ nội bộ sẽ làm cho “nội bộ của Đảng âm u”. Trong tình hình ấy, tập trung không tạo ra sức mạnh, vì Đảng đã bị suy yếu từ bên trong. Do đó ở trong Đảng, mỗi Đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề nhưng không trái với sự lãnh đạo tập trung của Đảng, không trái với nghị quyết và kỉ luật của Đảng.

Mỗi đảng viên phải tự rèn luyện, gương mẫu đi đầu trong việc quán triệt, thực hiệnQuy định trách nhiệm nêu gương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.Theo đó, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình… Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có mục đích để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Từng Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí trong Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải thực sự gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu không liên tục rèn luyện để suy thoái đạo đức lối sống, làm sai quy định của nhà nước sẽ làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng, như vậy công lao phấn đấu cả đời của cán bộ, đảng viên đều vô nghĩa.
Mỗi đảng viên phải rèn luyện mình, đi đầu gương mẫu. Đảng đi đầu, ở đâu khó, chỗ nào có hy sinh, gian khổ cần phải lao vào chứ đảng viên có lợi là thu lợi, đó chính là tự diễn biến. “Tất cả các cấp ủy từ địa phương đến trung ương mà rời khỏi vai trò lãnh đạo của mình hoặc không xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình thì đó là tự diễn biến lớn nhất, sâu sắc nhất trong điều kiện hiện nay". Do đó, vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp Trung ương phải thực sự gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi…
Đồng thời phải tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình (TPB, PB) trong sinh hoạt đảng; tăng cường kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế hoạt động của cấp uỷ và tổ chức đảng
Nâng cao chất lượng sinh hoạt TPB, PB là nguyên tắc quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhờ có TPB, PB mà Đảng ta không ngừng trưởng thành, giữ vững vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Thực hiện TPB, PB về thực chất đó là: “Khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên tự giác nhận và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, có quy định đối với cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm pháp luật mà tự giác khai báo, khắc phục hiệu quả, được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những người cố tình vi phạm, che giấu khuyết điểm; động viên, khen thưởng, bảo vệ những người dám đấu tranh, tố cáo những khuyết điểm và sai phạm ngay trong tổ chức của mình. Nghiêm cấm trù dập những người đấu tranh, phê bình thẳng thắn, có ý thức xây dựng”. Và với tinh thần ấy, trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện nghiêm túc và hiệu quả vũ khí TPB, PB. Theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), TPB, PB trước hết phải được người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện. Trên cơ sở cụ thể hoá quy chế dân chủ ở cơ sở, cấp ủy và các tổ chức đảng cần có cơ chế phù hợp để lấy ý kiến góp ý, phê bình tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm. Việc tổ chức TPB, PB phải được tiến hành trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn và xây dựng; phải trên tinh thần đồng chí, thương yêu lẫn nhau, để cùng tiến bộ. TPB, PB phải chân thành và tự giác, tránh lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích đồng chí, đồng đội, gây rối nội bộ; khắc phục tình trạng nể nang, hình thức, bao che cho nhau, thấy đúng không kiên quyết bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh hoặc khi được phê bình thì tiếp thu một cách miễn cưỡng và không sửa chữa khuyết điểm.
Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện, làm rõ sai phạm và chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng phải đi đôi với đề cao kỷ cương, kỷ luật. Mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật, cố tình không chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, gây chia rẽ, bè phái đều phải xử lý nghiêm minh. Luôn đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ Đảng.
Có như vậy, sẽ khắc phục được hiện tượng “3 không” trong một bộ phận cán bộ đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ,xây dựng Đảng Trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa cách mạng đến thành công./.
Xuân Tuấn





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét