Trong quá trình
lãnh đạo cách mạng, Ðảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán thực
hiện đoàn kết lương - giáo, đoàn kết giữa những người theo các tôn giáo khác
nhau. Bất chấp thực tiễn đó, vẫn có ý kiến cho rằng, nước ta kỳ thị tôn giáo,
chia rẽ lương - giáo. Vậy đâu là sự thật?
Việt Nam là nước đa tôn giáo1,
trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta, các thế
lực thực dân, đế quốc thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng.
Âm mưu, thủ đoạn của chúng không chỉ là chia rẽ nhân dân các vùng, miền, giữa
thành thị với nông thôn, đồng bào kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn
triệt để thực hiện chính sách chia rẽ đồng bào có tôn giáo với đồng bào không
tôn giáo, giữa đồng bào các tôn giáo khác nhau, thậm chí gây chia rẽ đồng bào
ngay trong nội bộ một tôn giáo. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo góp
phần tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi
sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chính vì vậy, sau khi nước nhà độc lập, trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ
lâm thời (03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Thực dân và phong kiến
thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị.
Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”2.
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn
giáo trước hết, phải lấy mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm điểm
tương đồng, dùng cái tương đồng để khắc phục sự dị biệt. Giải phóng dân tộc ở
nước ta là mục tiêu trước nhất, là nền tảng cho sự giải phóng giai cấp, là điều
kiện để có độc lập, tự do cho các tôn giáo, Người nói: Nước không độc lập thì
tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã. Độc lập rồi
phải quan tâm đến đời sống người dân, vì nước độc lập, mà dân không được hưởng
hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng nghĩa lý gì. Sự đoàn kết và phát triển theo
xu hướng tích cực, tiến bộ của tôn giáo sẽ góp phần giành và giữ vững nền độc lập
cho Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Người khẳng định: “Đoàn kết
của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách
dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”3. Với mục tiêu rõ ràng, Hồ Chí
Minh đã quy tụ, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc thắng lợi.
Để đoàn kết tôn giáo thành công,
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc cụ thể trong thực hiện. (1) Lấy lợi ích
quốc gia dân tộc làm mẫu số chung. Nguyên tắc này dựa trên phương châm “Dân tộc
trên hết - Tổ quốc trên hết” và “tất cả do con người, tất cả vì con người”. Lợi
ích của từng tôn giáo gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc, muốn đoàn
kết được đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc thì phải đặt lợi
ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Vì đây là lợi ích của cả cộng đồng, trong đó
có lợi ích sống còn của các tôn giáo. (2) Không chạm đến đức tin của tôn giáo
nói chung và của từng tôn giáo nói riêng. Hồ Chí Minh chú ý nhiều đến việc chỉ
ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ
nghĩa xã hội. Người viết “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều
muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”4. Đồng
thời nhấn mạnh, lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại
còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người dù theo tôn giáo nào thì trước hết người
đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước. (3) Tôn trọng quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây
là điều kiện tiên quyết, là nguyên tắc cơ bản để có thể đoàn kết được đồng bào
tôn giáo vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Bởi, tôn trọng quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng nhu cầu tâm linh của
một bộ phận nhân dân, tôn trọng một yêu cầu về tự do, dân chủ trong đời sống
văn hóa, tinh thần của xã hội.
Hồ Chí Minh còn đề ra các phương
pháp đoàn kết tôn giáo trong quá trình hoạt động của mình. Tôn trọng giáo chủ,
tranh thủ giáo sĩ và quan tâm đến giáo dân là phương pháp quan trọng để tập hợp
và đoàn kết được tôn giáo. Trong các tôn giáo, giáo chủ, giáo sĩ là những người
không chỉ có sự hiểu biết giáo lý, giáo luật mà còn hiểu biết về tình hình
chính trị - xã hội và cũng là những người có đạo đức cao cả nên có tầm ảnh hưởng
lớn đối với đồng bào tín đồ tôn giáo. Nếu không nắm được giáo chủ, giáo sĩ thì
rất khó thuyết phục được đồng bào có đạo tham gia vào khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Với thái độ tôn trọng những người theo các tôn giáo khác nhau, các vị
giáo sĩ và nhất là sự quan tâm sâu sắc đến đời sống đồng bào có đạo, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thu hút, tập hợp được nhiều giáo sĩ, nhà tu hành và đông đảo giáo
dân tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Thực tiễn cho thấy, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã tin tưởng và giao cho nhiều người trong các tôn giáo giữ các chức vụ
cao cấp, như: Giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn tối cao cho
Chính phủ; Linh mục Phạm Bá Trực là Phó Ban Thường trực Quốc hội; các trí thức
Công giáo, như: Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng trong
Chính phủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; ông Cao Triều Phát - Chủ tịch Hội
Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất, là Cố vấn Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam
Bộ, v.v. Sự thực này bác bỏ mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù lợi dụng tôn giáo,
hòng chia rẽ, phá hoại chính sách tôn giáo và dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ hai, khai thác các giá trị
nhân bản, đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ
nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh nhận thấy trong bản chất tôn giáo và trong cả tư tưởng
của những người sáng lập ra nó chẳng có ai là không mong muốn cho cuộc sống của
con người ngày càng tốt đẹp hơn, đạo đức hơn. Xét cho cùng thì tất cả các tôn
giáo đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân - Thiện - Mỹ. Người
viết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”5. Tư tưởng: nhân đạo của Giêsu; từ bi hỷ xả,
bình đẳng của Phật Thích Ca; hòa mục xã hội của Khổng Tử đã gặp gỡ với mục tiêu
lý tưởng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng. Với phương pháp tiếp cận
này, đã giúp Hồ Chí Minh xóa nhòa khoảng cách giữa đồng bào lương và đồng bào
giáo, tập hợp được đông đảo đồng bào theo các tôn giáo khác nhau vào trong khối
đoàn kết chung, vì sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Đây là bài học quý để
Đảng và Nhà nước vận dụng linh hoạt trong hoạt động xây dựng, củng cố khối đại
đoàn kết dân tộc hiện nay.
Như vậy, để đoàn kết được đồng
bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã đưa ra mục tiêu,
nguyên tắc và phương pháp cơ bản cần thực hiện trong quá trình làm công tác tôn
giáo. Nhờ đó, Người đã thành công trong việc đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối
đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh còn là cơ sở nền
tảng cho các giáo hội đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với
dân tộc, như: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “Sống Phúc
âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự
Tổ quốc và dân tộc” (đạo Tin lành); “Nước vinh đạo sáng” (đạo Cao Đài); “chấn
hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước
góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Phật giáo Hòa Hảo), v.v.
Quan điểm, tư tưởng về đoàn kết
tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lớn cả về lý luận và thực tiễn. Về
lý luận, Hồ Chí Minh chính là Người mở ra khả năng kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội,
chủ nghĩa cộng sản và tôn giáo, có thể cùng chung sống một cách hòa bình vì có
những điểm chung nhất định và có thể kế thừa được những giá trị tiến bộ của tôn
giáo, nhất là ở khía cạnh nhân bản. Tôn trọng tự do tín ngưỡng gắn liền với việc
tăng cường tình đoàn kết và hòa hợp dân tộc là phương pháp rất hữu hiệu để giải
quyết vấn đề tôn giáo, hướng mọi người vào mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, công
bằng, dân chủ và văn minh.
Về thực tiễn, tư tưởng đó là kim
chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta hoạch định chủ trương, chính sách giải quyết vấn
đề tôn giáo một cách đúng đắn trong suốt quá trình cách mạng. Theo quan điểm,
tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh, chúng ta đã hướng đồng bào có đạo
đi theo cách mạng, không để kẻ thù lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ tâm địa
xấu xa của chúng. Qua đó, làm cho đồng bào các tôn giáo tin tưởng vào chế độ xã
hội mới, gắn kết được đạo với đời, lấy lý tưởng “tốt đời, đẹp đạo” làm mục tiêu
hành động.
Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo với
tình hình thực tiễn. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng
và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của nhân
dân; đồng thời xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết
đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”6. Điều này được thể hiện
rõ tại Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế,
văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và
pháp luật” và tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày
01-01-2018.
Sự thật hiển nhiên là thế, nhưng
các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tự do, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền
để xuyên tạc, kích động,… hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ thường
vu cáo Việt Nam đàn áp các tôn giáo. Nhưng sự thật, cũng như các quốc gia có chủ
quyền khác, Việt Nam chỉ xử lý những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để
hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước,
kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh
quốc gia. Đó chỉ đơn thuần là việc chính quyền đang ngăn chặn các hoạt động đi
ngược lại quy định của pháp luật.
Có thể nói, không một quốc gia đa
tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một
đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Đó là sự thật! Tự nó bác
bỏ mọi sự xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ tôn giáo với chính quyền, chia rẽ
những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết
toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trần Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét