Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới

Hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam đã, đang và sẽ còn diễn ra rất quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong đó, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận luôn là mặt trận nóng bỏng và quyết liệt nhất. Một trong những mục tiêu mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch tập trung tấn công, chống phá là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và các lực lượng, công cụ chuyên chính bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân; trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam là một trọng điểm để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” . Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới và yêu cầu của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói chung” và  “phi chính trị hóa” quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch nói riêng đang đặt ra cho quân đội những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trước hết là của cấp ủy Đảng các cấp trong tình hình mới

Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ hết sức gay gắt, quyết liệt và phức tạp. Đó là cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa; đó còn là cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân, với Quân đội nhân dân Việt Nam...Chính vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết, là yếu tố quyết định đến sự thành công và tính hiệu quả của cuộc đấu tranh này.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận trước hết nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội ta luôn luôn vững mạnh về chính trị. Bởi, nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi bao giờ cũng phải lấy việc xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở cho mọi mặt xây dựng khác. Bối cảnh quốc tế cũng như tình hình đất nước hiện nay và tính chất quyết liệt, phức tạp của cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội đòi hỏi phải xây dựng quân đội ta không chỉ là một lực lượng vũ trang thiện chiến mà còn phải là một lực lượng chính trị thiện chiến, làm chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng, của nhân dân trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận ngày càng quyết liệt và phức tạp .
Theo đó, trước hết phải đặc biệt quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, sự quản lý của người chỉ huy đối với nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội. Cấp ủy, chính uỷ, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, quân đội và hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng chống “diễn biến hòa bình”, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức….; nắm vững tình hình, dự báo chính xác những vấn đề có thể xảy ra, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của địch và phần tử xấu đối với cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt điều đó, cần gắn việc thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI với tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách chặt chẽ, nghiêm túc, có hiệu quả cao. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nâng cao năng lực điều hành, quản lý của người chỉ huy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, tổng kết lý luận, nghiên cứu về đối tượng đấu tranh trên mặt trận tưởng, lý luận

Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay ở nước ta nói chung và của quân đội ta nói riêng được triển khai trên hai bình diện: (1) Nghiên cứu, bổ sung, phát triển, cung cấp hệ thống lý luận, cung cấp luận cứ khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạo ra sức đề kháng trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân trước các luận điểm xuyên tạc, vu cáo, kích động của các thế lực thù địch; (2) Phản bác một cách thường xuyên, hiệu quả những quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh phức tạp, khó khăn, lâu dài, vừa mang tính chiến đấu, vừa phải có sức thuyết phục và trên ý nghĩa nhất định, có thể coi đây là cuộc đấu tranh toàn diện trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, hiệu quả của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung, trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nói riêng phụ thuộc một phần rất lớn vào việc tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, tổng kết lý luận.
Hoạt động nghiên cứu lý luận trước hết đòi hỏi cần phải quan tâm đầu tư nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hệ thống hơn, đầy đủ hơn và toàn diện, sâu sắc hơn. Bởi, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận muốn dành thắng lợi, trước hết phải dựa vào cơ sở nền tảng lý luận là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và  âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch đã và đang tập trung mũi nhọn xuyên tạc, phê phán, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là học thuyết về giai cấp, đấu tranh giai cấp; tư tưởng quân sự, quốc phòng của các nhà mác – xít; học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản…Chính vì vậy, chỉ có trên cơ sở quan tâm, đầu tư nghiên cứu một cách sâu sắc, hệ thống, nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta mới đủ khả năng đấu tranh có hiệu quả, vạch trần được những âm mưu phủ nhận, những thủ đoạn phê phán, xuyên tạc, thậm chí là cả những thủ đoạn tinh vi “lợi dụng chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh” để chống lại chúng ta của kẻ địch.
Tiếp theo, để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, hoạt động nghiên cứu, tổng kết lý luận còn cần tập trung tìm ra những giải đáp khoa học, thuyết phục đối với những vấn đề mà thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã và đang đặt ra. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, những thành tựu mà chúng ta đã đạt được có phần đóng góp xứng đáng và tích cực của công tác lý luận nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận nói riêng. Tuy nhiên: “…mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác lý luận chưa khắc phục được một số mặt lạc hậu, chưa giải quyết có căn cứ khoa học, thuyết phục được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, làm chậm việc hoàn thiện đường lối đổi mới, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, trong xã hội”[. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta một lần nữa chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Và hậu quả tất yếu là: khi còn có những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có được những lời giải đáp khoa học, thuyết phục, dư luận còn phân tâm, sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, trong xã hội chưa cao sẽ là những “khoảng trống” nguy hiểm mà kẻ thù có thể lợi dụng để chống phá, để xuyên tạc, để lôi kéo, kích động và khi đó, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận sẽ càng thêm khó khăn, phức tạp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng. Để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch còn rất cần sự quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu về địch, về đối tượng đấu tranh. Hiện nay, dường như chúng ta chưa có một lực lượng chuyên trách đủ mạnh và được đầu tư thỏa đáng để có khả năng nghiên cứu đối tượng, đối tác, các nước lớn, các nước láng giềng…một cách chuyên sâu, toàn diện, đặc biệt là nghiên cứu để kịp thời nắm bắt, làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận  từ đó đưa ra những dự báo, đề xuất những định hướng, giải pháp kịp thời, khả thi, giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp tổ chức phòng chống có hiệu quả. Chính vì vậy, Đề án của Chính phủ về tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học xã hội và nhân văn trong tình hình mới đã khẳng định cần: “Tổ chức lại công tác nghiên cứu cơ bản về…chiến lược của các nước lớn, của Trung Quốc và Mỹ; xây dựng kế hoạch đào tạo và sử dụng lâu dài đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về các nước láng giềng, các nước lớn, các nước có quan hệ kinh tế - thương mại lớn với Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật và Ấn Độ” . Để “đánh đúng”, “đánh trúng”, “đánh hiểm” và “đánh thắng” trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, bảo vệ Đảng, bảo vệ quân đội, hơn lúc nào hết cần hết sức chú trọng đến lĩnh vực hoạt động nghiên cứu quan trọng này.

Ba là, quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để các lực lượng nòng cốt, các cơ quan, đơn vị trực tiếp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ đã được xác định

Đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” cũng như cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Mặc dù vậy, đây là một cuộc đấu tranh hết sức khó khăn, quyết liệt và phức tạp; cuộc đấu tranh đòi hỏi phải có lý, có tình, có sức thuyết phục, sự cảm hóa và có tính khoa học cao. Đây thực sự là cuộc đấu tranh “cân não” nên đòi hỏi trình độ kiến thức và một  “tầm trí tuệ” nhất định. Chính vì vậy, bên cạnh sự tham gia nhiệt tình, tự giác, đông đảo của các lực lượng, của mọi tầng lớp trong xã hội và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cuộc đấu tranh này cần phải có những lực lượng nòng cốt, những cơ quan, đơn vị chuyên trách, “tinh nhuệ”.
Để thực hiện yêu cầu trên đây, Đảng, Nhà nước và quân đội cần quan tâm, chăm lo đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan truyền thông đại chúng trong quân đội như: báo hình, báo viết, báo nói, các tạp chí, tờ tin; hệ thống các cơ quan tuyên huấn toàn quân; lực lượng tuyên truyền viên các cấp…để các lực lượng và cơ quan, đơn vị trên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã được xác định. Bên cạnh đó, rất cần có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để động viên lực lượng cựu chiến binh (trước hết là các cựu tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu khoa học đã nghỉ hưu…) tham gia vào cuộc đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, góp phần định hướng dư luận, ổn định tư tưởng trong nhân dân và xã hội.
Đặc biệt, bên cạnh việc thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 94 của Quân ủy Trung ương và các bộ phận chuyên sâu giúp việc. Sự quan tâm, đầu tư cần hướng tới các trung tâm, viện nghiên cứu, hệ thống nhà trường quân đội, các cơ quan tham mưu chiến lược…nơi tập trung nhiều nhà khoa học có trình độ cao, nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp có kiến thức, có nhiều kinh nghiệm. Bởi, một trong những nhân tố bảo đảm tính hiệu quả và sự thành công của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay là chúng ta phải quan tâm, đầu tư bồi dưỡng, xây dựng được một đội ngũ những “cây bút” dũng cảm, sắc sảo, những “nhà luận chiến”, những bình luận viên “đủ tâm, đủ tầm”. Và lực lượng đó chủ yếu đã, đang và sẽ vẫn là những sĩ quan, cán bộ, đảng viên hiện công tác, làm việc ở những đơn vị trên. Sự quan tâm đầu tư, chăm lo, tạo điều kiện trước hết đòi hỏi việc cung cấp thông tin phải kịp thời, chính xác, khách quan, thông tin phải có định hướng nhưng không thể có hiệu quả nếu chỉ có thông tin một chiều, thiếu cập nhật. Tiếp đến là sự quan tâm, đầu tư về vật chất, phương tiện, sự quan tâm động viên, khuyến khích kịp thời và thỏa đảng những kết quả, thành tích của cá nhân, tập thể đạt được trong quá trình tham gia đấu tranh. Nhưng điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất vẫn là sự quan tâm lãnh đạo định hướng về chủ trương, kế hoạch, điều phối, kết hợp các lực lượng để tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay.

Bốn là, Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội

Kết hợp chặt chẽ giữa “đấu tranh” với “bảo vệ”, giữa “xây” và “chống” là những vấn đề mang tính nguyên tắc của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Xây dựng quân đội nói chung và từng cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói riêng vững mạnh về chính trị, ổn định về tư tưởng; môi trường quân đội thực sự “miễn dịch” trước các tiêu cực của xã hội, của kinh tế thị trường và giao lưu mở cửa hội nhập; từng cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng thực sự vững vàng trước những âm mưu, thủ đoạn móc nối, kích động, mua chuộc, lôi kéo…của kẻ địch luôn là những nhiệm vụ đặt ra cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội và cũng là yêu cầu để bảo đảm tính hiệu quả của cuộc đấu trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng, quân đội ta đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, trước hết là sự vững mạnh về chính trị và nhờ đó, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội không ngừng được nâng lên. Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; trong nội bộ quân đội không có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mặc dù vậy, những hiện tượng vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của một bộ phận đảng viên, cán bộ, chiến sĩ quân đội hiện nay, nếu không có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời sẽ là điều kiện thuận lợi để kẻ địch lợi dụng chống phá và sẽ là nguyên nhân nảy sinh "tự diễn biến" về tư tưởng, chính trị. Vì vậy, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong quân đội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của công tác tư tưởng và cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu, thủ đoạn pPhi chính trị hóa” quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch.
Theo đó, cần tập trung triển khai chặt chẽ, nghiêm túc công tác an ninh tư tưởng, tăng cường quản lý, giám sát những hoạt động mang tính nghiệp vụ, bảo đảm không để lọt, lộ bí mật quân sự; đồng thời, ngăn chặn không cho tư tưởng, văn hóa xấu độc xâm nhập, lây lan vào quân đội. Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, gắn với làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trước hết tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu; đội ngũ trí thức quân đội, đội ngũ văn nghệ sĩ, phóng viên, báo chí. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Trong giáo dục, cần chú ý rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sự sắc sảo, nhạy bén, tính kiên định về mục tiêu, lý tưởng, nhất là với đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì, trí thức, các nhà khoa học tuổi đời còn trẻ, ít trải nghiệm thực tiễn. Thường xuyên quan tâm làm tốt việc cung cấp thông tin có định hướng tình hình thời sự, chính sách và âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của địch. Đề cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chính trị, văn hóa, tinh thần; kịp thời phát hiện, phê phán những biểu hiện nhận thức tư tưởng lệch lạc đồng thời, tổ chức triển khai một cách cơ bản, chủ động, có hiệu quả công tác đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội.
Từ khixã hội loài người xuất hiện giai cấp, tiếp đến nhà nước, quân đội ra đời đều là sản phẩm của xã hội có giai cấp, của cuộc đấu tranh giai cấp. Quân đội bao giờ cũng mang bản chất của chính giai cấp đã tổ chức, nuôi dưỡng và sử dụng nó - Lịch sử ra đời và phát triển của quân đội các nước trên thế giới đã chứng minh điều đó. Bất kỳ giai cấp, nhà nước nào khi tổ chức ra quân đội cũng đều hướng quân đội đó phục tùng và bảo vệ quyền lợi chính trị - kinh tế của mình. Không thể có thứ chính trị chung cho các kiểu quân đội, cũng như không có và không thể có một quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội “siêu giai cấp”, quân đội “trung lập về chính trị”. V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” . Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch luôn là một nhiệm vụ, một nội dung quan trọng của quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận luôn được coi là một khâu đột phá quan trọng, một yêu cầu cấp bách trong tình hình mới hiện nay. Nó đòi hỏi phải triển khai đồng thời, đồng bộ một loạt các giải pháp; phải phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp và trước hết là của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta./.
Nguồn: http://hocvienchinhtribqp.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét