Chỉ 19 ngày nữa sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá,
các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn
đang tiến hành nhiều hoạt động tinh vi, xảo quyệt để chống phá bầu cử các cấp.
Điển hình như Châu Xuân Nguyễn mới đây đã tung bài viết “Bầu cử ở Việt Nam,
nghệ thuật siêu hư cấu”. Bài viết đã cố tình bóp méo, xuyên tạc thông tin, đưa
ra những bình luận, nhận xét, đánh giá không khách quan trung thực, phiến diện,
một chiều, quy chụp để tung tin, đồn thổi dư luận theo hướng tiêu cực, kích
động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên
quan đến hoạt động bầu cử ở Việt Nam.
Châu Xuân Nguyễn cho rằng: “Người dân không quan tâm tới chính trị,
không quan tâm tới bầu cử, người dân có chung một tâm lý thây kệ nó, bởi có bầu
hay không bầu thì cũng như nhau”.
Trước hết, cần chỉ rõ luận điệu mà Châu Xuân Nguyễn đưa ra là hoàn toàn
sai sự thật, không đúng với tình hình thực tế bầu cử ở Việt Nam hiện nay. Cuộc
bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này được
Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn
Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021; Là ngày hội lớn của
toàn dân thực hiện cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong
các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông
qua việc lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, thực sự có đức, có tài, xứng
đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước
cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân
các cấp - Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử
lần này, tuyệt đại đa số nhân dân trong cả nước đều có chung tâm trạng vui
mừng, phấn khởi mong đến ngày đi bầu cử được cầm lá phiếu trên tay, chính thức
lựa chọn những người đại biểu đủ đức, đủ tài, có tinh thần trách nhiệm đứng ra
gánh vác trọng trách, đưa đất nước ngày càng phát triển. Trước thời điểm bầu cử
nhiều ngày, nhân dân trong cả nước được tiếp cận tìm hiểu nắm rõ tiểu sử của
các ứng cử viên một cách kỹ lưỡng, để có những lựa chọn đúng đắn nhất. Họ hiểu
và luôn hy vọng rằng, những đại biểu đắc cử lần này sẽ đem hết khả năng của
mình, để giúp dân, giúp nước, thực hiện ý chí và nguyện vọng của đa số cử tri.
Thực tế trong những lần bầu cử trước đây và lần này sắp tới, mọi người dân Việt
Nam dù có bận rộn tới mấy thì họ cũng tạm gác lại các công việc để đi bầu cử,
đây không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Theo họ,
đây thực sự trở thành một ngày hội có ý nghĩa của toàn dân. Người dân luôn đặt
niềm tin vào các đại biểu là sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân
dân giao phó, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
Châu Xuân Nguyễn còn đưa ra luận điệu hết sức sai trái, vô căn cứ: “hiệu
quả lãnh đạo của chính quyền Việt Nam là một loại hiệu quả sơn phết nhiều lớp
pha trộn, là một thứ tỷ lệ ảo thuật; hệ thống chính trị không có mối liên hệ
với công dân”.
Đây là một nhận định phiến diện, cực đoan, không có cơ sở của Châu Xuân
Nguyễn. Bởi, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều
thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Từ một nền kinh tế khép kín, tự
cấp, tự túc, theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, Việt Nam đã
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế
đạt mức cao, trở thành nước có thu nhập trung bình. Tạp chí The Economist (Anh)
tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất
thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, với tăng trưởng
kinh tế bình quân 6,8%/ năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10
quốc gia tăng trưởng cao nhất. Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch
bệnh COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ
đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn duy trì tăng
trưởng dương ở mức khá. Theo WB, GDP của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,8%, thuộc
nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.
Trên trường quốc tế vị thế chính trị - ngoại giao Việt Nam không ngừng
nâng cao. Tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong các vấn đề khu
vực và quốc tế. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại
các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định.
Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả, đa
dạng về cấp độ, hình thức và phương thức, trở thành thành viên có trách nhiệm
của cộng đồng quốc tế trên tinh thần chủ động, tích cực
Sau 35 năm đổi
mới, quy mô, tiềm lực, sức mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc
phòng của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; vị thế quốc tế ngày càng được nâng
cao. Từ thế bị bao vây, cấm vận, kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu
rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia các thể chế, diễn đàn đa
phương khu vực và quốc tế.
Tóm lại, Châu Xuân Nguyễn với tư tưởng lệch lạc và là kẻ chuyên ăn nói
quàng xiên nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình bầu cử, về vai trò lãnh
đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước Việt Nam; chúng ta cần phải đề cao cảnh
giác, đấu tranh phản bác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét