Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 Ngày 22/6/2023 trên trang blog Đài Á Châu tự do (RFA) tán phát bài “Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đến Đà Nẵng trong tháng 6”; ngày 27/6/2023, trên trang blog Việt Nam thời báo, đối tượng Nguyễn Nam tán phát bài “Những quân cờ sắp đặt”, nội dung xuyên tạc sự kiện tàu sân bay Mỹ cập Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc và đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng của Việt Nam; đưa ra “dự báo” về tình hình trên biển Đông, gây hoang mang trong dư luận; kêu gọi Việt Nam cần “chọn bên” để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, kích động, gây chia rẽ mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, nhằm phê phán, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Sự nguy hại của những luận điệu phản động nêu trên dễ gây ra sự hoang mang, dao động, chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.

Nhất quán tư duy độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và đường lối đối ngoại Việt Nam. Từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện quan điểm, phương châm của đường lối đối ngoại, đó là: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Đại hội VII); “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội IX); “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội XI, Đại hội XII).

Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước lớn tuy có lúc trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời quyết tâm, kiên trì, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta nói chung, trong đó có chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” nói riêng là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. 

Thực tế cho thấy, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước, đặc biệt là các nước lớn luôn có xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... Do đó, những luận điệu cho rằng việc “đi theo”, “liên minh” với nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo không những phản động, sai lầm mà còn thể hiện tư tưởng yếu hèn, trái với phương châm đối ngoại thêm bạn, bớt thù của Đảng ta. 

Do đó, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần luôn nêu cao nhận thức, trách nhiệm, không mơ hồ, mất cảnh giác. Tuyệt đối không để xảy ra sơ hở khiến kẻ thù có thể lợi dụng nhằm phủ nhận, truyền bá quan điểm tư tưởng thù địch, kích động, xuyên tạc phá hoại đường lối đối ngoại đúng đắn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét