Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC ÂM MƯU XUYÊN TẠC VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


 

 Thời gian qua, các thế lực cực đoan thường xuyên lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó, các thủ đoạn chính thường được sử dụng gồm:

Một là, đưa ra các báo cáo, phúc trình có nội dung sai lệch, không phản ánh  đúng thực tế về việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

Hai là, các thế lực thù địch, chống đối âm mưu hình thành các tổ chức chính trị đối lập dưới vỏ bọc tôn giáo, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số của nước ta như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Ba là, lôi kéo, cổ súy, hậu thuẫn cho một số chức sắc tôn giáo ở trong nước tuyên truyền, xuyên tạc về chế độ, chính quyền các cấp và sự phát triển của đất nước, xuyên tạc về việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

1. Quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam - từ chính sách đến thực tiễn

a) Chính sách nhất quán tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. C.Mác từng khẳng định “đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”2. Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã cụ thể hóa nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn bổ sung, nâng tầm ý nghĩa của tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo Người, tự do tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của nhân dân, là quyền con người không ai được xâm phạm. Bởi vậy, năm 1945, chỉ một ngày sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, đoàn kết lương giáo là một trong sáu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết.  

Một năm sau, Hiến pháp năm 1946 khẳng định mọi “công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”4. Đến Sắc lệnh 223/SL ngày 14 - 6 - 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy”5. Các Hiến pháp sau này tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có bước tiến mới khi khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”6.

Trong suốt hơn 30 năm kể từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng. Ngày 16 - 10 - 1990, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, tạo bước ngoặt trong công tác tôn giáo. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 24, ngày 12 - 3 - 2003, tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII (khoá IX), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW về công tác tôn giáo, tiếp tục hoàn thiện các quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã xác định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”7.

Nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, ngày 18 - 11 - 2016, đã thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Văn bản này đã đánh dấu một bước ngoặt cho quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

b) Thực tiễn tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Cùng với công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước, tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 1986, ở Việt Nam chỉ có 6 tôn giáo, 3 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thì từ năm 2003, đã có 15 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo đủ điều kiện để được Nhà nước đã công nhận, với khoảng 19 triệu tín đồ (chiếm 23,5% dân số). Đến năm 2020, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước. Việc nhiều tôn giáo và tổ chức tôn giáo được công nhận một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, là minh chứng rõ nét khẳng định Việt Nam không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Về chức sắc, năm 1990, nước ta có khoảng 38.000 chức sắc, nhà tu hành, đến nay tăng lên 61.200 chức sắc, 147.000 chức việc (tổng số chức sắc, chức việc khoảng 208.300 người), trong đó tăng nhiều nhất là chức sắc của Phật giáo và của đạo Tin Lành. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, đã xuất bản gần 6.000 xuất bản phẩm tôn giáo, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, tiếng các DTTS; 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; nhiều tổ chức tôn giáo đã có website riêng để phục vụ việc sinh hoạt đạo, truyền bá tôn giáo của mình. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng của các dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê Đê, 3.000 bản in Kinh thánh tiếng Gia Rai, hàng triệu đĩa DVD, CD bằng nhiều ngôn ngữ được phổ biến rộng rãi. Các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận luôn được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Chức sắc các tôn giáo được tự do truyền đạo theo quy định và được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm theo quy định.

Cùng với sự gia tăng các tôn giáo được công nhận, sự tăng lên của số lượng tín đồ tôn giáo thì ở khắp nơi trên cả nước. Các ngày lễ quan trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô ngày càng hoành tráng, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia như Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin Lành, Lễ Phật đản của Phật giáo, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài... Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được chính quyền quan tâm tạo điều kiện cấp phép xây mới và trùng tu, cải tạo, nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về nơi sinh hoạt đạo của của tín đồ và tổ chức tôn giáo. Thông qua các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo được nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, phát huy những giá trị đạo đức của tôn giáo và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều chức sắc và tín đồ tôn giáo có tiếng nói đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền.

Có thể thấy, hoạt động đối ngoại tôn giáo là một trong những hoạt động quan trọng và thường xuyên của Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác EU, Hoa Kỳ...Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã chủ động chia sẻ thông tin cho các đoàn nghị sĩ các nước vào làm việc, đại sứ quán các nước về những thành tựu trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Không những thế, Việt Nam còn thành lập các đoàn tới một số nước thuộc Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ để đối thoại trực tiếp, trao đổi về vấn đề tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, những thành tựu về đảm bảo quyền tự do tôn giáo, đồng thời phản bác những thông tin sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối kết hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kiên trì đấu tranh dưới nhiều hình thức đối với việc tổ chức USCIRF kiến nghị đưa Việt Nam trở lại “Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”. Do vậy, năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không đưa Việt Nam vào “Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” và “Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt - SWL”.

3. Kết luận

Với số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, trường đào tạo, số lượng kinh sách được xuất bản của các tôn giáo tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, những hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng và thực tế hoạt động sôi động của các tổ chức tôn giáo hiện nay là những minh chứng rõ nhất cho những thành tựu của việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Thực tiễn này đã bác bỏ mọi nhận xét thiếu khách quan về việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.

Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét