Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

TƯỞNG NHỚ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ


Gần như thành thông lệ, trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại, hoặc những kỷ niệm của đất nước ta, các thế lực thù địch lại ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và sự hi sinh to lớn của dân tộc ta, chúng liên tục đưa nhiều thông tin tuyên truyền, xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng của Đảng và Nhà nước ta thông qua các trang mạng xã hội. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021), xin kể lại câu chuyện tri ân đồng đội của nhà báo, thiếu tá Lê Bá Dương tại chiến trường Quảng Trị, để thấy được sự hi sinh to lớn của dân tộc ta, mà trực tiếp là QĐND Việt Nam.

Thành Cổ Quảng Trị - một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong 81 ngày đêm đó, quân Mỹ - Ngụy đã điên cuồng ném xuống đây 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta hứng chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Có hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào đất đá nơi đây.

Sông Thạch Hãn, cũng là nơi hy sinh của không biết bao nhiêu chiến sĩ từ phía Nhan Biều, Ái Tử vượt sông vào Thành Cổ để tiếp tế và chiến đấu.

Kể từ năm 1976, năm nào anh Lê Bá Dương cũng về Quảng Trị thăm viếng đồng đội đã hy sinh, anh lên đồi cao đốt hương cho khói tỏa đến vong linh anh em đồng đội, rồi hái những nhành hoa rừng xuống thả vào bến sông.

Rạng sáng ngày 27 tháng 7 năm 1987, như mọi năm anh lại về Quảng Trị, nhưng lần này anh không hái hoa rừng mà vào chợ mua hoa. Xuống mép sông Thạch Hãn anh gặp một bà thuyền chài. Anh bảo: 

- Mệ cho con đi thuyền dọc sông một vài tiếng, hết bao tiền con trả. Bà cụ đồng ý 8 ngàn đồng một tiếng. Anh ngồi thuyền thả hoa trên sông, bà cụ không nói gì, nhìn anh thả hoa và lặng lẽ chèo đều đặn. Bốn tiếng sau, thả hoa xong anh bảo 8 ngàn/1 giờ, 4 giờ con trả mệ 50 ngàn. Bà cụ quỳ xuống, khóc nói: 

- Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi! 

Rồi hai mệ con cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của anh vừa ào ra bến thuyền.

Thì ra hôm đó tại hội trường, trong lễ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ mọi người bàn nhau đi mua hoa để viếng nghĩa trang. Khi ra chợ thì hoa không còn, hỏi thì mấy chị bán hoa nói có anh bộ đội nào đó đã mua hoa rồi vừa đi vừa khóc ra phía bờ sông, mấy người bạn đoán ngay là Lê Bá Dương liền vội lao ra bờ sông.

Chào mệ, anh lên bờ ngồi nhìn dòng sông, hoa vừa thả dập dờn trôi theo dòng nước. Anh miên man nghĩ: Anh em đang nằm dưới sông, bập bềnh theo những cánh hoa. Có cái thuyền máy chạy ngược lên, bọt nước khua trắng xóa, trong đầu anh lúc đó vang lên những lời thỉnh cầu:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!

Ngày nay, bên bờ Nam sông Thạch Hãn - nơi có bến thả hoa và có tấm bia đá ghi lại bài thơ này. Đó là minh chứng cho một thời đạn lửa và là nơi để bày tỏ lòng tri ân của lớp người đi sau đối với những anh hùng đã hy sinh cho mảnh đất Quảng Trị và cho đất nước Việt Nam này.

Qua đó, chúng ta thấy được sự hi sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, có anh đã hi sinh tính mạng của mình, có anh trở về với thân thể không còn nguyên vẹn, đó là sự hi sinh tuyệt đối. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn ghi nhớ công lao của các anh. Vì vậy, tôi mong rằng, một số tổ chức hay cá nhân đừng vì một chút lợi lộc, hay thiếu sự chứng kiến, thiếu suy nghĩ mà bị kẻ thù lợi dụng nói xấu đảng, nhà nước, dân tộc...làm mất đi hình ảnh cao đẹp của dân tộc Việt Nam, cũng như làm mất đi công lao của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét