Hiệu lực, hiệu quả kiểm
tra, giám sát, kiểm soát là yếu tố cần, nhưng để có đủ môi trường, điều kiện để
cán bộ thực hiện hiệu quả lời hứa, những cam kết trước dân thì lại đòi hỏi rất
cao ở tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương. Kiểm tra, giám sát gắn liền với
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là hai mặt của một vấn đề có tính
nguyên tắc, bảo đảm cho hiệu quả thực thi công vụ của công bộc trước
nhân dân. Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Đảng phải luôn luôn xét lại những
nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì
những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng
tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Quy định 08-QĐi/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ,
đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương” đã nêu rõ: Cán bộ phải nghiêm khắc với bản thân và kiên
quyết chống “Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh
trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không
nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”. Đại hội XIII của Đảng
tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy tốt
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao
càng phải gương mẫu. Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ
những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc
của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết
liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong
Lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định quyết tâm: Cải cách mạnh mẽ
nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào
nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực.
Như vậy, quan điểm tiến
bộ, chủ trương nhất quán của Đảng đã từng bước được cụ thể hóa bằng quyết tâm,
chương trình hành động của Chính phủ và các cấp, các ngành. Kiểm tra, giám sát,
kiểm soát quyền lực, trong đó có kiểm tra, giám sát, kiểm soát lời hứa, cam kết
của cán bộ, đảng viên các cấp trước Đảng, trước nhân dân là đòi hỏi mang tính
bắt buộc. Bất cứ ai trong hệ thống chính trị, là công bộc của dân đều phải có
trách nhiệm, bổn phận, nhiệt tâm thi hành. Việc này phải được thực hiện triệt
để và hiệu quả ngay từ mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Có làm tốt từ nội bộ mới tạo tiền
đề, cơ sở thuận lợi để hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính
sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân
dân. Đó cũng là tiền đề thực hiện cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo
đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành
dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp.
Những biểu hiện lợi dụng kiểm tra, giám sát, kiểm soát để
đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng đều là mầm mống tạo kẽ hở cho các
thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. Trong quá trình đưa Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng vào cuộc sống, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các
cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là trong môi trường dân chủ chuẩn bị bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từng cán
bộ, đảng viên, từng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cử tri phải tuyệt đối tránh
kiểu phê bình chụp mũ, suy diễn, lợi dụng kiểm tra, giám sát để bới móc, xuyên
tạc, gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến đoàn kết thống nhất trong Đảng. Cán bộ
nêu gương trong lời hứa và thực hiện lời hứa thì mỗi đảng viên, người dân cũng
phải nêu gương trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, góp phần
làm trong sạch, lành mạnh môi trường dân chủ xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu xây
dựng một nước Việt Nam hùng cường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét