Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

PHÂN BIỆT QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VÀ THÙ ĐỊCH VỚI CƠ HỘI CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY

 


Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch và cơ hội chính trị trên không gian mạng hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính thường xuyên cấp thiết và lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh cần phân biệt rõ giữa quan điểm sai trái với quan điểm thù địch với cơ hội chính trị để xác định cách thức đấu tranh phù hợp nhằm mục đích thêm bạn bớt thù; hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị là những tư tưởng của các chủ thể nhất định về một vấn đề trong cuộc sống xã hội trên mọi phương diện. Ở góc độ chính trị xã hội thì đó là những quan điểm liên quan đến vấn đề Đảng, Nhà nước, giai cấp. Đây là cách nói chung nhất biểu hiện của nó là những thông tin được đăng tải trên không gian mạng. Tuy nhiên, các quan điểm này bao hàm nhiều cấp độ khác nhau như quan điểm “lệch lạc”, “sai lầm”, “sai trái”, “thù địch”, “cơ hội chính trị”, v.v. Các quan điểm này vừa có sự thống nhất vừa có sự khác biệt. Song có thể thấy các quan điểm trên có thể nhận diện nó chủ yếu dưới hai cấp độ cơ bản: quan điểm sai trái và quan điểm thù địch.

Quan điểm sai trái trước hết là quan điểm chứa đựng những thông tin phản ánh không đúng về thực tiễn chính trị xã hội và thiếu cơ sở khoa học. Nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai trái là do chủ thể hạn chế về trình độ nhận thức; họ không biết, không hiểu nên đưa ra các quan điểm của mình và cho rằng nó là đúng nhưng thực chất là sai trái. Mặt khác, do chủ thể bất đồng về lợi ích với một đối tượng hay một lớp đối tượng nào đó, họ chưa là những kẻ thù địch nhưng họ cố tình đưa ra các quan điểm sai trái để mang lại lợi ích cho cá nhân.

Quan điểm thù địch thì ở cấp độ cao hơn quan điểm sai trái, bản thân nó đã chứa đựng những quan điểm sai trái, nhưng quan điểm này luôn đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp với một chủ thể khác. Chủ thể của quan điểm thù địch thường là những kẻ đối lập về lập trường tư tưởng và đối lập về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc.

Quan điểm cơ hội chính trị là quan điểm của các chủ thể là những kẻ cơ hội chính trị. Họ không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định theo nguyên tắc, quy luật khoa học. Khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra “cấp tiến” hăng hái, đứng về phía quần chúng nhân dân; khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thỏa hiệp. Những người này thường che giấu bộ mặt thật, vừa tỏ ra ủng hộ đường lối của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, với danh nghĩa đổi mới tư duy để đưa ra các quan điểm nhưng thực chất là sửa lại đường lối của Đảng; nhận diện quan điểm cơ hội chính trị là rất khó khăn, khi xem xét phải gắn với hành vi của chủ thể và cần theo dõi lâu dài mới có thể nhận diện chính xác quan điểm cơ hội chính trị.

Như vậy, khi nói quan điểm sai trái là nhấn mạnh tới phương diện phản khoa học, xuyên tạc thực tiễn; còn quan điểm thù địch là để nhấn mạnh tới sự đối lập với lợi ích, lập trường giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam; quan điểm cơ hội chính trị là nhấn mạnh tới tính thực dụng lo lợi ích cá nhân hay của nhóm người nhất định. Do đó, trong đấu tranh chúng ta cần phải phân biệt một cách chính xác các loại quan điểm và có cách thức đấu tranh kịp thời.

Đối với quan điểm sai trái thì cần tập trung phân tích làm sáng tỏ vấn đề đưa ra tranh luận với các căn cứ, cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục để các chủ thể nhận thức đúng đắn được vấn đề sai trái đưa ra. Từ đó có nhận thức và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng. Thông qua đó giáo dục, hướng họ tham gia vào phản biện các quan điểm sai trái khác.

Đối với quan điểm thù địch và cơ hội chính trị, đó là những chủ thể với mục đích, chủ ý xuyên tạc, chống đối và làm suy yếu nền tảng tư tưởng, chống phá lại Đảng, Nhà nước. Những quan điểm này nhiều khi được khoác bằng những cái vỏ mỹ miều hoặc che dấu bản chất. Cần phải xác định và phân tích một cách chính xác để thấy rõ được bản chất của các dạng quan điểm thù địch và cơ hội chính trị để có biện pháp kiến quyết đấu tranh không khoan nhượng. Thông qua đấu tranh nhằm triệt tiêu các tác hại của các quan điểm này đồng thời cần tranh thủ cảm hóa thuyết phục họ về với cách mạng.

Chỉ có phân định rõ quan điểm sai trái và thù địch với cơ hội chính trị là cơ sở để phân biệt bạn, thù và xác định phương pháp tập hợp lực lượng cách mạng, liên minh giai cấp, tầng lớp, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Quá trình liên minh, đấu tranh cần bám nắm, định hướng kịp thời, tránh để đấu tranh thái quá khiến cho những người tốt có nhận thức chưa đầy đủ vấn đề chính trị bị đẩy sang bên kia chiến tuyến, quay lại chống ta. Đồng thời, trong liên minh và đấu tranh cần nắm chắc tính Đảng, tính giai cấp, không thỏa hiệp vô nguyên tắc ảnh hưởng đến thành quả, mục tiêu của cách mạng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét