Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

NGÀY 30/4 - NHÌN LẠI LỊCH SỬ HÀO HÙNG ĐỂ CÙNG NHAU XÂY DỰNG LÒNG YÊU NƯỚC

 


Cách đây hơn 46 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Để có được hòa bình độc lập như ngày nay, chúng ta mãi biết ơn Hồ Chủ Tịch, Đảng Cộng sản Việt nam đã dẫn đường cho cách mạng giành thắng lợi. Đặc biệt, chúng ta sẽ mãi mãi khắc sâu sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đã ngã xuống cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cao hơn nữa, mỗi người dân Việt muốn chia sẻ với thế giới rằng, con người Việt Nam không muốn chiến tranh và luôn yêu chuộng hòa bình.

Nhắc lại như vậy cũng là để chúng ta cùng xây dựng tình yêu nước cho thế hệ trẻ:

TÌNH YÊU NƯỚC GỒM CÓ NHIỀU YẾU TỐ, NHƯNG CÓ 4 YẾU TỐ CHÍNH.

THỨ NHẤT, YÊU NƯỚC NGHĨA LÀ TA YÊU ĐỒNG BÀO MÌNH

Dân tộc Việt ta có hơn 90 triệu người, nhưng bởi trái tim ta nhỏ, tâm hồn ta nhỏ, ta chỉ yêu thương được vài người trong gia đình mình. Còn người nào có trái tim lớn hơn một chút thì bắt đầu biết yêu thương dòng họ, thương yêu láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp của mình. Thật hiếm có người nào có trái tim đủ lớn để yêu tất cả con người Việt Nam, hay lý tưởng hơn nữa là yêu hết nhân loại và khắp pháp giới chúng sinh. Vì vậy, tuy chúng ta nói nhiều về lòng yêu nước, nhưng thực sự là chưa có ai yêu hết được đồng bào của mình.

Đạo Phật buộc ta phải quỳ xuống để hứa với Phật rằng, ta sẽ thương yêu được hết chúng sinh với tất cả sự thành tâm của mình. Cứ mỗi ngày hứa với Phật một cách tha thiết, thật tình như vậy thì đến một lúc nào đó 80 triệu con người này sẽ nằm trong trái tim ta.

THỨ HAI LÀ YÊU DẢI NON SÔNG THẤM ĐẦY MÁU CỦA TỔ TIÊN, BAO NHIÊU ANH HÙNG ĐÃ NGÃ XUỐNG ĐỂ GIỮ GÌN ĐẤT NƯỚC

“Tôi yêu nước tôi bởi vì tôi thở cái không khí mà tổ tiên tôi đã thở, tôi bước chân lên mảnh đất mà tổ tiên tôi đã bước, tôi sống trong cái bình yên mà tổ tiên tôi đã chết để giữ lấy”.

Giờ đây những ngày tháng ta đặt chân đi khắp mọi miền đất nước một cách bình yên. Ta thấy quê hương mình đang phát triển từng ngày, nơi kia ngôi nhà mới mọc lên, nơi nọ chiếc cầu sắp sửa bắc qua, nơi đằng xa có con đường đang ủi đang lu, xe cộ trên đường phố nhiều hơn... Ta phải nhớ rằng ở phía sau những điều đẹp đẽ đó là máu của bao anh hùng đã đổ xuống để cho quê hương này đứng dậy.

THỨ BA LÀ YÊU NỀN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA TA

Văn hóa truyền thống của đất nước ta là hình ảnh của những phụ nữ đoan trang, kín đáo, là người đàn ông có trách nhiệm, biết gánh vác. Văn hóa của ta là sự đậm đà tình nghĩa, người với người sống có trách nhiệm với nhau, cha mẹ thương yêu quan tâm con cái, con cái hiếu kính cha mẹ, người nhỏ biết kính trọng người lớn tuổi, biết tôn sư trọng đạo…

Văn hóa của ta đi lên từ một dân tộc nghèo nàn, từ một cánh đồng lúa xanh, một con kênh xa tít, từ tiếng hò trên sông, từ mái dừa, bóng trăng. Ta đi lên từ những điều thơ mộng, bình yên và nghèo nàn đó. Nhưng đến khi đất nước hội nhập với thế giới và bước lên từng ngày. Ta có thể sẽ quên cội nguồn, quên cái văn hóa đẹp, bình dị đó để chạy theo sự hào nhoáng của phương Tây.

Do vậy, khi nói yêu nước nghĩa là ta phải có trách nhiệm nhìn thấy được đâu là văn hóa dân tộc để yêu quý, giữ gìn và ngăn chặn không cho các lối sống ngoại lai buông tuồng của nước ngoài xâm nhập, đánh vỡ những truyền thống tốt đẹp ngàn đời.

THỨ TƯ LÀ LÒNG YÊU KÍNH CÁC VỊ LÃNH TỤ ĐẤT NƯỚC

Ngày xưa trong chế độ phong kiến chúng ta có đạo lý “Trung quân ái quốc”, nghĩa là yêu nước thì phải trung với vua. Điều này đã tạo thành khối đoàn kết chặt chẽ của dân tộc mà bên ngoài khó đánh vỡ được.

Ngày nay, trong chế độ dân chủ, người lãnh tụ có nhiệm kỳ trong một khoảng thời gian nhất định, nhiều khi họ lên vị trí lãnh đạo đất nước chưa lâu, người dân chưa kịp thương mà đã có vị lãnh đạo mới. Bởi vậy, khi nói về lòng yêu nước, hay lắm ta đạt được ba yếu tố đầu là yêu đồng bào, yêu dải non sông, yêu văn hóa. Nhưng chúng ta khó có được yếu tố thứ tư là yêu kính lãnh tụ của mình. Chính vì thiếu điều này nên tình yêu nước trong lòng ta thường không trọn vẹn.

Tình yêu nước không quá mênh mông như tình yêu nhân loại, chúng sinh, nhưng cũng không nhỏ bé như tình yêu gia đình. Nó vừa chừng để ta mở được trái tim yêu thương hơn 90 triệu con người cùng hệ thống pháp luật, cùng dòng máu văn hóa với ta. Ta cố gắng bước tới tình yêu nước là vừa chừng, cụ thể, thực tế và lý tưởng.

TUY NHIÊN, CHÚNG TA KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở TÌNH YÊU NƯỚC. YÊU NƯỚC PHẢI CỘNG VỚI PHẬT PHÁP THÌ ĐẤT NƯỚC TA SẼ THÀNH ĐIỂM SON CỦA THẾ GIỚI. “SAU NÀY NƯỚC VIỆT HƯNG LONG, GÓP VÀO THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG BAO LA”, NGHĨA LÀ SAU NÀY NGƯỜI VIỆT NAM SẼ YÊU THƯƠNG VÀ ĐÓNG GÓP CHO CẢ THẾ GIỚI NÀY TỪ ĐÔI CÁNH ĐẠO PHẬT ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét