Về bài đăng trên facebook cá nhân Trương Huy San (Osin HuyDuc)
lúc 18.31 ngày 30/5/2019 phản ánh về tranh luận của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình
Nhưỡng và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu trong phiên làm việc tại Hội trương
tại kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Việc các đại biểu Quốc hội tranh luận
ngay tại hội trường là một trong những nét mới tại các kỳ họp Quốc hội gần đây.
Nó cũng phản ánh bầu không khí dân chủ, tinh thần trách nhiệm và chất lượng hoạt
động lập pháp và giám sát tối cao ngày càng rõ nét đối với từng đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, việc tranh luận giữa các đại
biểu Quốc hội cũng dễ gây ra những dư luận trái chiều, có thể bị các thế lực
thù địch, phản động và các thành phần cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc,
thổi phồng khuyết điểm, bôi nhọ lãnh đạo, chia rẽ mối đoàn kết và dựng lên cái
gọi là các “phe nhóm chính trị”, “phe nhóm lợi ích”,… trong nội bộ Đảng
ta. Đặc biệt là trước các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ và các hiện tượng
tiêu cực như tham nhũng, nhận hối lộ, chính sách xã hội,…
Tiêu điểm thời gian vừa qua là sự kiện
phát biểu của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của UBTV Quốc
hội về vấn đề công tác cán bộ và phản ánh của cử tri về những hiện tượng tiêu cực,
xa hoa, lãng phí,… trong một bộ phận cán bộ. Ngay sau đó là tranh luận của đại
biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị đại biểu
Nhưỡng phải chỉ ra những con số cụ thể.
Thực ra, đây là một hoạt động rất bình
thường trong chương trình làm việc của Quốc hội, nhất là khi giữa các đại biểu
Quốc hội còn có nhận thức khác nhau về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, có thể do
phương pháp đặt vấn đề của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn khá chung chung về một
vấn đề nhạy cảm, đại biểu phản ánh đúng tâm trạng của một bộ phận cử tri nhưng
chưa thật toàn diện và chưa đi liền với các giải pháp căn cơ, cụ thể; còn cách
phản biện ngay với một thái độ thẳng thắn, có phần gay gắt của đại biểu Nguyễn
Hữu Cầu mặc dù động cơ rất tốt, để cử tri có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu đúng,
hiểu đủ hơn về chất lượng đội ngũ cán bộ, không vì một bộ phận thiểu số “con sâu làm rầu nồi canh” mà phủ nhận
vai trò và công lao đóng góp của biết bao cán bộ, công chức khác nhưng dễ gây
hiểu nhầm, dễ tạo hiệu ứng cho dư luận trên cộng đồng mạng dẫn đến bị lợi dụng
để công kích.
Hiện nay, cộng đồng mạng nổi lên hai
cách nhìn khác nhau, cách nhìn thứ nhất cho rằng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hơi
dân túy, phát biểu theo kiểu lấy lòng cử tri, đánh bóng tên tuổi chứ không đem
lại giá trị gì nhiều, vì phản ánh của đại biểu đã được Đảng ta chỉ ra rất rõ
trong các nghị quyết, chỉ thị, nhất là nghị quyết trung ương 4 khóa XI và nghị
quyết trung ương 4 khóa XII, báo cáo Chính phủ và báo cáo của UBTWMTTQ Việt Nam
cũng đã đề cập. Cách nhìn thứ hai lại cho rằng tranh luận của đại biểu Nguyễn Hữu
Cầu là cứng nhắc, chưa thể hiện đúng vị trí người đại biểu Quốc hội mà còn nặng
vị trí của người trực tiếp quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; và việc
xác định số liệu cụ thể để chứng minh là nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức, kiểm
tra, thanh tra, điều tra chứ không phải chức trách của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định rằng,
các đại biểu Quốc hội đều phát biểu trên tinh thần xây dựng, với trách nhiệm cá
nhân rất cao, hoàn toàn không có chuyện đấu đá nhau giữa các “nhóm lợi ích” như một số cá nhân suy diễn
để hòng lèo lái dư luận theo mục đích của chúng. Là cán bộ, đảng viên, chúng ta
phải tỉnh táo trước các vấn đề nóng mà dư luận quan tâm để có cái nhìn toàn diện,
đúng đắn, từ đó có tiếng nói tích cực trong tuyên truyền cho quần chúng và góp
phần tham gia định hướng dư luận nhân dân.
Đảng ta đang chủ trương đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính
trị, trong đó có đổi mới hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước
pháp quyền XHCN trong tình hình mới. Trong thời gian tới, chắc chắn hoạt động của
Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội sẽ được công khai hơn, dân chủ hơn, vai trò
của Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội và của từng đại biểu Quốc hội sẽ được
nâng cao, cùng với đó yêu cầu phẩm chất, năng lực, phương pháp làm việc của các
đại biểu Quốc hội cũng sẽ được nâng cao. Trong quá trình đó, đề nghị mỗi cán bộ,
đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm, chia sẻ và ủng hộ hoạt động của
các đại biểu, không để các thế lực thù địch phản động gây chia rẽ, tạo tâm lý
hoài nghi, đó cũng chính là trực tiếp tham gia thực hiện quyền làm chủ của công
dân./.
Huy Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét