Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Cần Tiếp Tục Tham Gia Sản Xuất, Xây Dựng Kinh Tế





Việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện một trong ba chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao, theo lời dạy của Bác Hồ: Quân đội ta là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời ngày 22-12-1944 từ trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nghĩa là từ trước khi lập nước, lúc chưa có Nhà nước. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã phải mang tinh thần tự lực, tự cường, lấy sức mình để lao động sản xuất, tự nuôi mình, từ đó vận động nhân dân làm cách mạng, chiến đấu để giành độc lập, giải phóng đất nước. Tinh thần tự lực, tự cường ấy của Quân đội ta thể hiện suốt qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Khi hòa bình lập lại, thì quân đội lại là lực lượng quan trọng được huy động để xây dựng kinh tế đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trải qua quá trình đổi mới và cho tới ngày nay, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế vẫn đang được Quân đội ta thực hiện tốt. Trong điều kiện hiện nay, vai trò của Quân đội ta trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế vẫn hết sức quan trọng. Xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, các đơn vị kinh tế của quân đội vẫn đang đóng góp hiệu quả cho kinh tế-xã hội đất nước thể hiện qua: Nộp ngân sách nhà nước (có doanh nghiệp quân đội đứng đầu danh sách nộp ngân sách nhà nước), xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao tiềm lực của nền kinh tế, bảo đảm các nhu cầu xã hội (viễn thông-công nghệ thông tin, cảng biển, ngân hàng, khám, chữa bệnh...), giải quyết công ăn việc làm. Việc đầu tư ra nước ngoài rất thành công của nhiều doanh nghiệp quân đội tạo ra niềm tin, niềm tự hào và cảm hứng vươn lên rất lớn cho con người Việt Nam.
Thứ hai, các doanh nghiệp quân đội có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật cao, năng suất lao động tốt, rất phù hợp với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ ba, các đơn vị kinh tế của quân đội đang là một trong những lực lượng chủ lực để nâng cao nền tảng khoa học-công nghệ của quốc gia. Những dự án nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng rất lớn đang được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện, có tính chiến lược, trọng yếu về quốc phòng-an ninh (QPAN), có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc. Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khó có một doanh nghiệp nào ngoài quân đội có thể đảm đương được những nhiệm vụ như vậy.
Thứ tư, việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là nhằm tiếp tục nuôi dưỡng và nâng cao sức mạnh, năng lực sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, bảo đảm thế trận QPAN của quốc gia.
Thứ năm, dù kinh tế đất nước có phát triển đến đâu thì vẫn có những vùng có tính đặc thù là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo kinh tế chậm phát triển, nhạy cảm về QPAN nên cần có sự xuất hiện của các đơn vị kinh tế-quốc phòng của quân đội để vừa phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, là phên giậu để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Quân đội ta tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là để đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là một hình ảnh cao quý, thể hiện giá trị thiêng liêng của tinh thần dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, mỗi chúng ta cần có những bài viết tốt để làm rõ được chức năng nhiệm vụ của quân đội trong thời kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế.
Văn chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét