Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

20 NĂM ĐẤU TRANH VĂN HOÁ - TƯ TƯỞNG TRÊN MẶT TRẬN INTERNET


Tháng 11/1997 internet chính thức có mặt tại Việt Nam, sau 20 năm có internet đã tạo ra rất nhiều thay đổi ở quy mô xã hội cũng như với từng cá nhân con người. Với tốc độ phát triển Internet hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện có tỷ lệ số người sử dụng Internet cao hơn tỷ lệ trung bình quốc tế, trong đó hầu hết đều có các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Google+, Shtyle, Zalo,...). Và ngay lập tức, các thế lực chống phá đã sử dụng Internet như một vũ khí hàng đầu nhằm thúc đẩy sự “chuyển hoá từ bên trong” thông qua các nội dung tấn công vào nền tảng văn hoá tư tưởng. Hầu hết các cuộc “cách mạng màu, cách mạng máu” trên thế giới vừa qua, làm tan hoang biết bao quốc gia đều được tạo ngòi nổ từ mạng xã hội.
Có internet, chúng ta đặt ra câu hỏi rằng các phương tiện truyền thông đã sử dụng tiến bộ công nghệ Internet để làm gì? Không khó để nhận thấy hầu hết chỉ đưa ra các thông tin sốc, sến và sex để câu khách, tăng view nhằm kiếm tiền quảng cáo; truyền bá các “giá trị văn hoá phương Tây”, phục vụ cho tâm lý “vọng ngoại”, lai căng của một bộ phận người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Các giá trị đạo đức gia đình, các mối quan hệ xã hội bị đảo lộn bằng các thông tin không chính thống, xuyên tạc, đi ngược lại các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Vậy còn đâu là “nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”, khi chỉ chú ý “tiên tiến” mà quên “đậm đà bản sắc”? Cũng như mới xác định thực hiện “kinh tế là trung tâm” mà bỏ qua “xây dựng hệ thống chính trị là then chốt”. Làm kinh tế, mà bỏ qua cái then chốt, không có tư tưởng vững vàng, thì như mở cửa tang hoang, gió lành vào gió độc cũng vào, người tốt đến kẻ xấu cũng đến, khối người đã và sẽ lăn ra chết...
Trong bối cảnh đó, thì những người có trách nhiệm làm gì? Các cơ quan quản lý thì không thể kiểm soát, các trang thông tin của các cơ quan ban ngành, các tờ báo lớn vẫn có uy tín từ trước thì chậm đổi mới, chỉ có thông tin thuần tuý văn bản hoặc tin bài báo chí thì thường rất chậm và khô khan nên ít được quần chúng quan tâm. Trong khi đó, một bộ phận những người có trách nhiệm thì lại..không trách nhiệm, vì “đó không phải việc của mình”. Thực ra đó chỉ là sự bao biện khi họ sợ “đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm”, dù rằng họ là những người nắm thông tin chính thống, đúng và đủ nhất về chính những vấn đề nhạy cảm đó. Họ không nói, nhưng cuối năm viết kiểm điểm vẫn luôn có dòng “luôn kiên quyết, mạnh mẽ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động”, nghĩa là chỉ đấu tranh ..mấy người với nhau, rồi lại cho rằng “một bộ phận giới trẻ thờ ơ với chính trị”.
Cuộc sống với muôn vàn những vấn đề của nó thì vẫn diễn ra trong một dòng chảy không ngừng, đục trong lẫn lộn, khiến nhiều người hoang mang, không biết đâu mà lần... Trong mỗi khu dân cư, chỉ cần có một tên trộm, một kẻ nghiện ngập đã đủ làm mất an ninh đời sống của cả thôn xóm, nhưng tác hại từ những đối tượng đó chỉ là chuyện vặt so với sức phá hoại về văn hoá - tư tưởng hàng ngày được gieo rắc qua các thông tin trên mạng, kể cả từ một số tờ báo thì lại không được thực sự quan tâm kiểm soát, quản lý và ngăn chặn. 
Mua phải thực phẩm có độc, dù chưa chết ai, hoặc mới chỉ ảnh hưởng đến vài người thì chúng ta lo phát sốt phát rét, còn những tư tưởng độc hại dù chỉ là một vài ý kiến cũng có thể giết chết cả một đất nước, một thế hệ thì lại không ai lo, thậm chí tự nguyện ăn?
Nếu chỉ biết làm đúng “chức trách” là đã không tròn trách nhiệm, vì chỉ nói chuyện, báo cáo tại hội nghị, gửi bài đăng báo hay thông tin nội bộ thì sức lan toả là rất hạn chế, trong khi đó lại “nhường” mặt trận trên Internet cho kẻ thù tự tung tự tác thì tác hại sẽ rất khó lường. Đừng sợ “xô bồ” hay “mất tư thế” khi tham gia đấu tranh trên mạng, vì đó cũng là xã hội với muôn hình vạn trạng các vấn đề của nó. Nếu sợ, là ta tự tách mình ra và sẽ bị nó bỏ rơi, thậm chí đè bẹp. Mặt khác, giặc không chỉ đang ở ngay sau lưng, mà trong chính mỗi người chúng ta.

                                                               Xuân Minh 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét