Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP THỜI KỲ QUÁ ĐỘ ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM


Gần đây có ý kiến cho rằng trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không còn đấu tranh giai cấp. Vì trong xã hội không còn đối kháng giai cấp
Sự tồn tại của các giai cấp và cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tư tưởng trong các thời đại khác nhau. C.Mác và PhĂngghen không phải là những người đầu tiên phát hiện ra vấn đề này. Trước đó, các học giả tư sản, nhất là các nhà sử học và kinh tế học tư sản đã từng quan tâm nghiên cứu. Chính C.Mác đã nói rằng, ông không hề có công phát hiện ra sự tồn tại của các giai cấp trong xã hội hiện đại và sự đấu tranh giữa các giai cấp đó, trước ông từ lâu, những nhà sử học tư sản đã trình bày sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó và những nhà kinh tế tư sản đã làm cuộc giải phẫu kinh tế về những giai cấp đó… Nhưng điều mà chỉ C.Mác mới làm được, còn các nhà sử học và kinh tế học tư sản thì không làm được, đó là việc ông đã chứng minh: “1) Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển của sản xuất; 2) Đấu tranh giai cấp tất nhiên đưa đến chuyên chính vô sản; 3) Bản thân sự chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến lên xóa bỏ mọi giai cấp và tiến lên một xã hội không có giai cấp”(4). C.Mác cho rằng, đây là “điều mới mẻ” (từ dùng của C.Mác) do ông phát hiện ra. Sự phát hiện này của C.Mác đã chỉ ra xu hướng vận động, phát triển cơ bản của xã hội loài người, mà cái đích của xu hướng vận động đó là “xóa bỏ mọi giai cấp và tiến lên một xã hội không có giai cấp” - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Vận dụng học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bằng quan điểm lịch sử - cụ thể, Đảng ta đã biết kết hợp một cách hài hòa quan hệ giữa giai cấp - dân tộc, giải quyết một cách khoa học lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân - coi đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Ngày nay lịch sử nhân loại đã có nhiều thay đổi lớn lao, sâu sắc, con người đang sống trong thời đại mà hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn. Vì vậy mà có nhiều quan điểm đã đi tìm những khiếm khuyết của học thuyết này để phủ nhận đi giá trị của nó. Ở đây, cần phải thấy rằng, học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp cũng như bất cứ một học thuyết nào khác thuộc nội dung triết học về lịch sử đều có lịch sử hình thành, phát triển trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của riêng nó, cho nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, hạn chế về nội dung.
          Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà những cuộc xung đột về sắc tộc màu da, những cuộc chiến tranh tôn giáo vẫn đang diễn ra thì học thuyết giai cấp không hề mất đi mà vẫn khẳng định được vai trò của nó trong việc giải quyết những mâu thuẫn, thực hiện lợi ích của một cộng đồng, một dân tộc nhất định. Điều này hoàn toàn trái với quan điểm cho rằng, trong thời đại ngày nay, khi mà quá trình toàn cầu hóa và quốc tế hóa đang chi phối mọi quốc gia dân tộc thì người ta chỉ có thể nói đến sự thống nhất chứ không thể nói đến đấu tranh. Những biến động chính trị - xã hội gần đây tại các nước Bắc Phi - Trung Đông đã chứng minh những quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi khác như Algeria, Jordan, Yemen, Quốc đảo Bahraihn, Libya, Moritani, Arập Xêút, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Marocco, thậm chí lan sang cả các nước ngoài thế giới Arập như Anbani, Bangladesh, Bolivia, Cyrus, Gabong và Cộng hoà Hồi giáo Iran.....đã thực sự trở thành một làn sóng nổi dậy của dân chúng. Nó không những lan nhanh, lan rộng, mà còn có thể kéo dài, dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng và cơ bản ở các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi vốn tồn đọng nhiều bất trắc tiềm ẩn kéo dài từ lâu. Những xung đột này đều là những cuộc nội chiến, nó cho thấy trong xã hội còn tồn tại những bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa nhà cầm quyền với các giai cấp và tầng lớp nhân dân trong xã hội, mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp, tầng lớp có lợi ích căn bản đối lập nhau. Do vậy, có thể nói những cuộc đấu tranh đó đều thể hiện những hình thức khác nhau của một cuộc đấu tranh giai cấp, và đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại.
         Ở nước ta vấn đề đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên CNXH gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay thì vấn đề đấu tranh giai cấp diễn ra dưới những hình thức và nội dung mới rất phức tạp. không phải là đấu tranh giữa các giai cấp có lợi ích căn bản đối lập nhau được xác định một cách rõ ràng như trong chế độ thực dân, phong kiến trước đây, mà chủ yếu đấu tranh giữa các giai cấp có lợi ích căn bản thống nhất với nhau, đấu tranh trong nội bộ nhân dân. Đồng thời, mục tiêu của cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay ở nước ta là vừa xây và vừa chống. Không phải có mục tiêu lật đổ chính quyền cách mạng do nhân dân giành được, mà là bảo vệ, củng cố và phát triển chính quyền đó ngày càng vững mạnh, xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên tinh thần đó, văn kiện đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đã bổ sung và nhấn mạnh một số nội dung đấu tranh giai cấp chủ yếu ở nước hiện nay như sau: “Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá theo định hướng XHCN, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển; thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”.
         Có thể nói rằng, với những gì đang xảy ra trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì chúng ta không thể lảng tránh vấn đề đấu tranh giai cấp. Tuy nhiên, cũng không được cường điệu hóa hoặc mơ hồ về nó. Vấn đề là ở chỗ, phải nhận thức được rằng, học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp là một yêu cầu tất nhiên và để đáp ứng được yêu cầu đó cần thấy rõ những thành tựu, giá trị và những hạn chế của nó trong cả việc hiểu và vận dụng học thuyết. Sức sống của học thuyết đấu tranh giai cấp là ở chỗ phải xuất phát và giải đáp chính những vấn đề được nêu lên bởi lịch sử  phát triển thực tiễn mà thực chất là những vấn đề của bản thân con người. Như vậy trong xã hội có giai cấp đấu tranh giai cấp là tất yếu.
                                                                                            VĂN TRƯỜNG






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét